Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tập trung xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề

Nguyễn Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội được mệnh danh là “đất trăm nghề” với 1.350 làng có nghề, trong đó có 292 làng được công nhận làng nghề. Tuy nhiên, đi cùng với đó, vấn đề ô nhiễm môi trường tại các làng nghề cũng ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Mới đây, Trung tâm Kỹ thuật môi trường và An toàn Hóa chất (Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam) đã thực hiện Chương trình quan trắc môi trường tại các làng nghề. Theo đó, sau thời gian 10 ngày quan trắc từ 25/10 - 5/11/2016, kết quả cho thấy, tất cả các làng nghề được quan trắc đều xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường đất hoặc nước hoặc không khí, hoặc tất cả. 
Tại làng nghề kim cơ khí Đại Tự (xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội), tình trạng ô nhiễm xảy ra cả ở môi trường nước mặt, nước ngầm và không khí; các thành phần ô nhiễm rất đa dạng, có cả các kim loại nặng và cả các chất hữu cơ. Thành phần gây ô nhiễm có trong nước thải của làng nghề chủ yếu sinh ra từ công đoạn tẩy dầu, tẩy gỉ, sơn mạ của các hộ sản xuất và từ nước thải sinh hoạt của người dân. Nước thải sinh ra sau đó được xả trực tiếp vào các kênh dẫn nước thải chung mà chưa được xử lý, gây ô nhiễm nguồn tiếp nhận.

Điều này dẫn tới tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng các nguồn nước mặt và nước ngầm tại địa phương. Trong số 8 mẫu nước mặt tại các kênh rạch, ao hồ tiếp nhận nước thải trong làng nghề có 1 mẫu chỉ tiêu asen vượt quá quy chuẩn cho phép, 2 mẫu chỉ tiêu kẽm vượt quá quy chuẩn cho phép, 3 mẫu chỉ tiêu sắt vượt quá quy chuẩn cho phép tại QCVN 09-MT:2015/BTNMT.
 Sản xuất mây tre đan tại xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Bá Hoạt
Kết quả phân tích nước ngầm được lấy ở 4 hộ gia đình trong làng nghề cũng có 3 mẫu có chỉ tiêu asen, 1 mẫu chỉ tiêu thủy ngân vượt ngưỡng cho phép. Nhóm quan trắc kết luận môi trường nước ngầm ở đây đã bị ô nhiễm, chất lượng nước không đảm bảo cho người dân có thể sử dụng trực tiếp, đặc biệt các chỉ tiêu kim loại nặng thủy ngân rất độc hại cho sức khỏe con người xuất hiện nồng độ cao trong một số mẫu được thử nghiệm. Đặc biệt, tại các cơ sở sản xuất, nồng độ tiếng ồn và bụi đều vượt ngưỡng cho phép. Các nguồn gây ô nhiễm chủ yếu phát sinh từ quá trình cắt gọt, gia công các chi tiết cơ khí của các hộ sản xuất.

Tương tự, trong kết quả quan trắc này, các làng nghề chế biến nông sản Minh Hồng (xã Minh Quang, huyện Ba Vì), làng nghề chế biến nông sản Cộng Hòa (Quốc Oai), làng nghề mây tre đan Phú Lương Thượng (xã Quảng Phú Cầu, Ứng Hòa), làng nghề khảm trai thôn Trung (xã Chuyên Mỹ, Phú Xuyên) đều xảy ra tình trạng ô nhiễm nước mặt, nước ngầm, nước thải và không khí với các thành phần ô nhiễm COD, BOD5, Amoni, Nitrit, Coliform, Photpho, kim loại nặng… vượt ngưỡng cho phép. Nguyên nhân đều là do các nguồn phát sinh nước thải của người dân trong làng nghề đều được xả trực tiếp ra các kênh dẫn nước thải, sau đó tiếp tục được đổ vào các nguồn tiếp nhận là các kênh rạch, ao hồ trong khu vực.

Theo đánh giá của Sở Công Thương Hà Nội, chất lượng môi trường sống tại các làng nghề đang có nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng bởi ô nhiễm về nguồn nước, nước thải, chất thải rắn, không khí, bụi, tiếng ồn... Các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm, lượng nước thải phát sinh do quá trình rửa tẩy các nguyên liệu, các khâu chế biến trong sản xuất, lượng nước sử dụng lớn, có nơi lên tới 7.000m3/ngày, thường không được xử lý đã xả trực tiếp ra môi trường. Các nghề cơ kim khí, gốm sứ, chế biến lâm sản, chế biến nông sản và dệt may gây ô nhiễm không khí do khâu phun sơn, bụi gỗ thải vào môi trường trong quá trình sản xuất...

Tình trạng ô nhiễm môi trường như trên đã ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân tại các làng nghề và vùng lân cận. Tại nhiều làng nghề, tỷ lệ người mắc bệnh (đặc biệt là nhóm người trong độ tuổi lao động) đang có xu hướng gia tăng. Tuổi thọ trung bình của người dân tại các làng nghề ngày càng giảm, thấp hơn so với làng không làm nghề. Tại các làng sản xuất kim loại, tỷ lệ người mắc các bệnh liên quan đến thần kinh, hô hấp, ngoài da, điếc và ung thư.

Để giải quyết vấn đề này, TP Hà Nội đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc xử lý ô nhiễm môi trường tại 50 làng nghề có mức độ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.