Giải pháp khắc phục việc điều chỉnh giá vật liệu
Điều hành phiên chất vấn về lĩnh vực giao thông, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, tiến độ một số dự án giao thông, nhất là công trình trọng điểm quốc gia chậm là do tăng giá vật liệu, nhà thầu cho biết, nếu làm thì sẽ không đủ phương án tài chính.
“Thực tế như Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói và như Quốc hội nắm được, đối với các dự án này, các hợp đồng xây lắp đều có cơ chế điều chỉnh giá, chậm ở đây là do thủ tục, quy trình thôi, có phải thế không? Hay là các nhà thầu thiệt thòi. Cho nên phải nói cho rõ vấn đề này”, Chủ tịch Quốc hội băn khoăn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Dư luận và Nhân dân nghĩ rằng, bây giờ ký hợp đồng và chọn thầu xong mà giá cao như thế thì nhà thầu như thế nào? Tất cả đều là hợp đồng điều chỉnh giá. Bây giờ trách nhiệm việc điều chỉnh giá có phải do giá tăng, giá giảm hay không? Các bộ, ngành, địa phương như thế nào, giải pháp khắc phục tới đây như thế nào?”. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị vấn đề này cần phải tường minh, tránh gây hiểu nhầm nhà thầu như vậy là thiệt thòi.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, ghi nhận công trình làm cho Nhà nước nhưng bây giờ giá tăng như vậy nên bị thua lỗ, thực tế hoàn toàn không có chuyện đó.
Liên quan đến việc sử dụng cát biển để đắp nền đường khu vực đồng bằng, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đất là rất thiếu, vấn đề hiện nay là cần nghiên cứu, thử nghiệm quy trình, quy phạm như thế nào để có thể sử dụng. Và không phải cứ lấy cát biển lấp vào là lấp được, ngay cả về tiêu chuẩn, định mức, quy trình, quy phạm, thiết kế sơ bộ, thiết kế cơ sở… Đây là những vấn đề lớn về cung ứng vật liệu.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần có giải pháp cho vấn đề này, trong quá trình Bộ trưởng Bộ GTVT báo cáo tiếp thu, giải trình trước Quốc hội thì cần làm rõ hơn nội dung này.
Giải trình về câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, về cát biển, hiện nay các bộ, ngành liên quan rà soát lại kinh nghiệm của thế giới, ứng dụng sử dụng cát biển như thế nào. Các bộ, ngành cũng xây dựng để cát biển đạt tiêu chuẩn; đồng thời hình thành quy trình về lý thuyết về công tác khai thác, vận chuyển, thi công, đầm nén và sẽ làm thử nghiệm, sau đó mới đánh giá thực tế đơn giá, định mức và nghiệm thu đánh giá, mới áp dụng đại trà hay nhân rộng.
Bộ trưởng cho biết thêm, hiện nay tất cả bộ, ngành đều vào cuộc và đơn vị nghiên cứu cũng đang nghiên cứu để thực hiện đúng quy trình, chứ không phải áp dụng một cách máy móc dẫn đến bị nhiễm mặn ở các công trình.
Về vấn đề tiến độ các công trình, dự án lớn bị chậm, Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định, tất cả những dự án lớn đều phải điều chỉnh giá nhưng vấn đề đặt ra là điều chỉnh có kịp thời hay không? Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương khi xảy ra biến động giá cả như thế nào, bởi các nhà thầu có tâm lý sợ trong thời điểm mua xăng dầu, mua vật liệu, giá vận chuyển giá cao, nhưng khi nghiệm thu thanh toán giá thấp.
Trong khi đó, việc ký hợp đồng căn cứ vào thông báo giá của địa phương, nên sự phối hợp của các bộ, ngành và thông báo giá của địa phương rất quan trọng.
Nếu thông báo giá sát và kịp thời thì việc thanh quyết toán cho nhà thầu sẽ tốt. Để giải quyết vấn đề này, Bộ GTVT đã phối hợp với các bộ, ngành tìm giải pháp và mong đại biểu Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ xem xét có cơ chế đảm bảo công bằng với nhà thầu để điều chỉnh giá kịp thời.
Địa phương có trách nhiệm rà soát lại quy hoạch giao thông
Đại biểu Lê Thanh Phong (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho biết, đầu tư cho giao thông không chỉ là nhằm giải quyết lưu thông mà còn giải quyết thông thương, kết nối phát triển kinh tế. Có nghĩa rằng, giao thông phải có kết nối và có nhiều điểm kết nối thì mới tạo được kích cầu phát triển kinh tế. Nhưng trên thực tế trong thời gian vừa qua, có nhiều tuyến giao thông, các tuyến đường cao tốc khai thác một số tuyến không có hiệu quả, một số tuyến không có người đi nhưng ngược lại một số tuyến thì quá tải, có khi dẫn đến ùn ứ, không có lối thoát. Điều này có phải do thiếu điểm kết nối, tắc nghẽn và không kết nối được, nhất là những vùng có các tuyến đường cao tốc đi qua, người dân khó tham gia giao thông?
Bên cạnh đó, trong đề án phát triển tại TP Hồ Chí Minh, qua quá trình trình dự án, thành phố cũng đã rà soát, cắt giảm một số tiêu chí, trong đó có các điểm kết nối. Như vậy có phải là mục tiêu phát triển kinh tế không hoàn thành?
Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Thanh Phong, về kết nối giao thông, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, nếu địa phương mà chưa có quy hoạch đường giao thông hoặc chưa có đường giao thông thì về nguyên tắc không thể nào bố trí nút giao, nhất là dự án mới hầu như chỉ kết nối vào đường hiện hữu.
"Trách nhiệm của địa phương rà soát lại quy hoạch giao thông xung quanh đường cao tốc để kết nối những đường giao thông vào các trung tâm huyện, trung tâm xã, trung tâm kinh tế, khu công nghiệp.
Khi các địa phương có quy hoạch, ngành giao thông sẽ phối hợp nghiên cứu, để triển khai các nút giao." - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, đây là sự phối hợp giữa Bộ Giao thông với các bộ, ngành. Do vậy, trong cuộc họp Trung ương, Bộ trưởng đã đề nghị các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo UBND tỉnh khẩn trương điều chỉnh quy hoạch giao thông ở địa phương, kết nối đường cao tốc, các đường trọng điểm quốc gia. Qua đó, ngành giao thông sẽ phối hợp với địa phương bổ sung các nút giao nhằm khai thác hiệu quả cái đường cao tốc cũng như hệ thống đường địa phương, đáp ứng được yêu cầu phát triển của địa phương.
Liên quan đến nút giao thông đường vành đai 3, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, trong quy hoạch vẫn có nút giao thông nhưng hiện nay chúng ta chưa thi công vì chưa đủ kinh phí. Do đó chưa triển khai hết nút giao thông trên tuyến đường này, khi nào cân đối đủ điều kiện sẽ được bổ sung.