Cũng như nhiều địa phương khác, huyện Yên Định chịu ảnh hưởng nặng nề do đợt mưa lũ lịch sử trong nhiều năm trở lại đây. Trong đó, nặng nhất là khu vực các địa phương nằm ven con sông Hép.
Từ chiều tối 12/10, nước sông Hép dâng cao tràn qua đê vào khu vực dân cư làm ngập hàng nghìn hộ dân. Đoạn đường tỉnh lộ 516b cũng bị ngập lụt nhiều nơi, các phương tiện không thể di chuyển qua vùng nước ngập.
Trong đó, địa phương tại huyện Yên Định bị ngập lụt nặng nhất là xã Yên Giang và thị trấn Thống Nhất. Theo thống kê của UBND huyện Yên Định, nước lũ tràn vào đã khiến hơn 600 hộ dân của xã Yên Giang bị ngập lụt.
Trận lũ lịch sử trong nhiều năm trở lại đây đã khiến nhiều gia đình trắng tay, nhiều người chưa thể về nhà vì nước vẫn đang ngập sâu. Nhiều gia đình đau đớn nhìn đàn gia súc, gia cầm của mình trôi theo dòng nước lũ.
Chị Nguyễn Thị Giang, thôn 2, xã Yên Giang, chỉ còn biết khóc khi tài sản của gia đình đã bị lũ cuốn trôi |
Chị Nguyễn Thị Giang, thôn 2, xã Yên Giang, huyện Yên Định vẫn chưa nguôi nỗi buồn đau khi cơn lũ quét qua khiến hơn 3ha diện tích ao cá của gia đình đầu tư hàng trăm triệu đồng đã đến kỳ thu hoạch bị mất trắng.
Trận lũ lịch sử trong khoảng 10 năm trở lại đây không chỉ san phẳng hệ thống ao nuôi cá mà còn cuốn trôi gần 100 con lợn thịt của gia đình chị Giang. Nợ nần chưa trả được, nay tài sản đã bị dòng nước lũ cuốn trôi khiến gia đình chị chưa biết phải xoay xở thế nào.
Không chỉ gia đình chị Giang mà nhiều gia đình khác tại xã Yên Giang và thị trấn Thống Nhất bị cơn lũ cuốn theo nhiều diện tích sản xuất và thiệt hại nặng về chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Tại trang trại chăn nuôi lợn của Công ty Thái Dương cũng đã có gần 6.000 con lợn bị chết đuối trong nước lũ gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Theo báo cáo của UBND huyện Yên Định, tính đến ngày 13/10, đã có gần 180.000 con gia súc, gia cầm bị chết; nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng nặng; hơn 5.000ha cây vụ Đông có nguy cơ mất trắng.
Sau khi lũ rút, huyện Yên Định lại đối mặt với vấn đề vệ sinh môi trường, dịch bệnh do lũ lụt gây ra. Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã chỉ đạo huyện Yên Định và các ngành chức năng khi lũ rút đến đâu tiêu độc, khử trùng đến đó...
Đến chiều tối ngày 13/10, nhiều gia đình tại xã Yên Giang và thị trấn Thống Nhất, huyện Yên Định vẫn ngập sâu trong nước lũ.
Do nhà cửa bị ngập, những vị trí trũng thấp, nước chưa thể tiêu thoát hết khiến nhiều gia đình chưa thể trở về nhà để dọn dẹp nhà cửa và ổn định cuộc sống.
Đợt mưa lũ vừa qua đã khiến ít nhất 15 người chết, 5 người mất tích, 5 người bị thương, hơn 17.000 ngôi nhà bị ngập sâu trong nước; hàng chục nghìn héc ta hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy hải sản bị hư hại, ngập lụt; hàng chục nghìn hộ dân phải sơ tán đến những nơi an toàn.
Hiện nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn đang bị ngập lụt. Đối với những địa phương nước rút, các ngành chức năng và người dân đã tiến hành khắc phục sự cố sau lũ. Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung cho công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, giúp nhân dân ổn định cuộc sống, sản xuất.