70 năm giải phóng Thủ đô

Tàu bè mắc cạn nằm la liệt trên kênh Chợ Gạo

Theo VOV.VN
Chia sẻ Zalo

Nhiều phương tiện đường thủy lưu thông trên dòng Kênh Chợ Gạo thường xuyên bị “mắc cạn”, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng.

Một phương tiện bị sà lan ép tràn vào mắc cạn trên bờ kè kênh Chợ Gạo
Một phương tiện bị sà lan ép tràn vào mắc cạn trên bờ kè kênh Chợ Gạo
Kênh Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang là tuyến giao thông đường thủy trọng yếu của ĐBSCL, nối liền sông Vàm Cỏ Tây với sông Tiền. Mỗi ngày/đêm, tuyến kênh này có hơn 1.500 lượt phương tiện đường thủy qua lại để vận chuyển hàng hóa từ TP.HCM, các tỉnh miền Đông Nam bộ đến vùng ĐBSCL và ngược lại. Gần đây, nhiều phương tiện đường thủy lưu thông trên dòng kênh này thường xuyên bị “mắc cạn”, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng. 

Bà Phạm Thị Hoa, chủ bến đò ấp Ninh Đồng 2, xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang cũng như nhiều người dân sống ven kênh Chợ Gạo bức xúc trước tình trạng tàu thuyền thường xuyên bị “mắc cạn”. Bởi phương tiện “mắc cạn”  không chỉ gây ùn ứ giao thông thuỷ mà còn rú còi, nổ máy inh ỏi, làm  ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, nhất là vào đêm khuya.

Anh Nguyễn Thanh Mừng, chủ phương tiện tàu thủy lưu thông qua kênh Chợ Gạo bị vướng cạn cho biết, khi nước triều thấp, đáy kênh Chợ Gạo cạn dần, làm chiều rộng lòng kênh bị thu hẹp. Trong khi đó, các phương tiện có trọng tải lớn vô tư qua lại lấn ép, đẩy phương tiện khác vào vùng cạn. Phương tiện bị vướng cạn phải neo đậu tại chỗ, chờ nước triều dâng cao mới di chuyển được, gây tắc nghẽn giao thông tuyến sông.

Kênh Chợ Gạo lâu ngày bị bồi lắng, không được nạo vét; một số đoạn bờ kênh được xây bờ kè dạng mái nghiêng lấn ra làm lòng sông bị thu hẹp. Trong khi đó, theo ông  Bùi Nam Trân, cán bộ  Trạm quản lý Đường thủy nội địa Chợ Gạo, trên tuyến kênh này, hàng ngày có nhiều phương tiện như sà lan chở cát lưu thông vượt quá mớn nước cho phép, nên thường bị vướng cạn.
Sạt lở bờ kênh Chợ Gạo
Sạt lở bờ kênh Chợ Gạo
"Kênh Chợ Gạo không còn phù hợp với phương tiện trọng tải lớn quá. Thời gian tới đề nghị nạo vét luồng lại cho đảm bảo an toàn cho phương tiện, đề nghị thành lập một đội cứu hộ tàu có công suất lớn để khi có mắc cạn kịp thời ứng cứu để lôi kéo phương tiện ra khỏi khu vực mắc cạn”, ông Nam Trân bày tỏ.

Tình trạng nhiều phương tiện “mắc cạn” còn có nguyên nhân bờ kênh này bị sạt lở nghiêm trọng, nhất là các đoạn chưa thực hiện Dự án nâng cấp, mở rộng giai đoạn 2.

Ông Phan Vĩnh Thanh - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Tiền Giang cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đã trình Chính phủ phê duyệt Dự án này để tiến hành thi công vào cuối năm nay, đảm bảo giao thông an toàn trên tuyến đường thủy trọng yếu này.

"Dự án này đang trình Chính phủ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ triển khai cuối năm 2016 và hoàn thành vào năm 2018. Đối với những đoạn bị sạt lở cục bộ thì Sở Giao thông Vận tải đã phối hợp với địa phương xử lý bằng vốn ngân sách tại địa phương", ông Phan Vĩnh Thanh nói.

Nhưng trước mắt, các ngành chức năng tỉnh này cần phối hợp làm tốt công tác điều tiết giao thông; có biện pháp khắc phục những điểm “nóng” để đảm bảo giao thông thuỷ an toàn và thông suốt.