Tàu Iran vẫn cháy ngùn ngụt sau 3 ngày va chạm ngoài khơi Trung Quốc

Nguyễn Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Điều kiện khó khăn cùng gió to, mưa và sóng cao tiếp tục ảnh hưởng tới nỗ lực dập tắt ngọn lửa cũng như việc tìm kiếm 31 thủy thủ còn lại trên tàu Sanchi của Iran sau khi con tàu va chạm với một tàu chở hàng của Trung Quốc", theo Bộ Giao thông Trung Quốc.

Tới sáng 9/1, ngọn lửa trên một tàu chở dầu Sanchi của Iran vẫn chưa được dập tắt sau khi nó va chạm với một tàu chở hàng của Trung Quốc ở vùng biển ngoài khơi Trung Quốc.
Theo Bộ Giao thông Trung Quốc, thời tiết xấu đang gây bất lợi cho công tác ứng cứu tàu Sanchi của Iran. Ảnh: Reuters
Những người mất tích gồm 30 người Iran và 2 người Bangladesh. Theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), giới chức nước này hiện đang lo ngại tàu Sanchi có thể phát nổ và chìm, trong khi một đội gồm 13 tàu tìm kiếm và cứu hộ đang rà soát một khu vực rộng lớn để tìm thủy thủ con tàu gặp nạn.
Bộ Giao thông Trung Quốc cho rằng khi gặp nước, khí ngưng tụ từ tàu dầu có thể bay hơi nhanh chóng và gây ra vụ nổ lớn.
Đến ngày 8/1, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể của một thủy thủ trong số 32 người còn mất tích trên tàu Sanchi.
Theo Bộ Giao thông Trung Quốc, thời tiết xấu đang gây bất lợi cho công tác ứng cứu. Ngoài ra, giới chuyên gia lo ngại khí độc từ đám cháy có thể gây ra nguy cơ lớn cho lực lượng cứu hộ
Vụ va chạm xảy ra vào 8h tối 6/1, tàu chở dầu Sanchi đăng ký Panama đâm phải tàu chở ngũ cốc CF Crystal đăng ký Hong Kong (Trung Quốc) ở vị trí cách cửa sông Trường Giang 160 hải lý (300km) về phía Đông.
Sau tai nạn, tàu Sanchi bốc cháy, nghiêng về bên phải, 32 thủy thủ trên tàu mất tích. 21 thủy thủ trên tàu hàng Hong Kong đều an toàn và được giải cứu. Hiện chưa rõ nguyên nhân vụ va chạm.
Vào thời điểm tai nạn xảy ra, tàu Sanchi dài 274m đang chở 136.000 tấn dầu trên đường từ Iran tới Hàn Quốc. Tai nạn đã làm tàu Sanchi bốc cháy và tràn dầu ra biển.
Hiện chưa rõ kích thước của vết dầu loang, song đây có thể là thảm họa tràn dầu tồi tệ nhất kể từ năm 1991 khi 260.000 tấn dầu tràn ra biển Angola.