Động thái này được coi là bước đi nhằm hiện thực hóa kế hoạch làm “sạch” hệ thống tài chính Tây Ban Nha trong vòng 18 tháng cũng như giảm nợ công. Ông Rajoy thừa nhận, các biện pháp cắt giảm thâm hụt không hề dễ chịu, nhưng cần thiết để đối phó với khủng hoảng. Hiện, thâm hụt ngân sách Chính phủ của Tây Ban Nha đã tăng gấp 3,41% GDP trong 5 tháng đầu năm 2012, gần chạm mục tiêu 3,5% của cả năm, trong khi kinh tế tiếp tục rơi vào suy thoái sâu.
Ngay sau khi thông tin về gói cắt giảm trên được công bố, hàng nghìn thợ mỏ Tây Ban Nha đã đổ về Thủ đô để tổ chức biểu tình, nhiều người trong số họ đã đi bộ suốt 3 tuần qua từ các khu vực khai thác mỏ để tới Madrid. Đoàn người biểu tình còn có sự tham gia của hàng nghìn người ủng hộ khác mang theo những khẩu hiệu phản đối Chính phủ Tây Ban Nha gây áp lực cho tầng lớp lao động bằng cách tăng thuế, giảm giá thuê nhân công và cắt ngân sách dành cho giáo dục và y tế quốc gia. Những người thợ mỏ cũng lên tiếng cáo buộc Chính phủ đã cắt giảm tới 63% trợ cấp dành cho các công ty khai thác than đang phải vật lộn để duy trì thị phần của thị trường năng lượng Tây Ban Nha và giữ cho giá than nhập khẩu rẻ hơn.
Trong khi đó, tại Italia, lần đầu tiên, Thủ tướng Mario Monti để ngỏ khả năng đề nghị các khu vực Eurozone cho phép dùng các quỹ cứu trợ khu vực để mua trái phiếu của nước này, nhằm giảm gánh nặng chi phí đi vay đã liên tục tăng trong thời gian qua.