Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tây Hồ đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt cho người cao tuổi

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Những ngày này, bất kể nắng hay mưa, lực lượng chức năng các phường trên địa bàn quận Tây Hồ vẫn “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để thu thập thông tin, hồ sơ mở tài khoản ngân hàng cho người hưởng lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội (BHXH) hàng tháng.

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Nhằm tạo điều kiện để Nhân dân trên địa bàn tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách thuận lợi, quận Tây Hồ đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện đợt tuyên truyền cao điểm vận động người dân đăng ký nhận hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt kết hợp với rà soát, xác minh, đồng bộ dữ liệu thông tin người hưởng với cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.

Rất đông người dân đã đến trụ sở UBND phường Xuân La để được hướng dẫn đăng ký mở thẻ ATM phục vụ việc nhận lương hưu, trợ cấp BHXH.
Rất đông người dân đã đến trụ sở UBND phường Xuân La để được hướng dẫn đăng ký mở thẻ ATM phục vụ việc nhận lương hưu, trợ cấp BHXH.

Ngày 22/5, có mặt tại trụ sở UBND phường Xuân La, theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, rất đông người cao tuổi đã có mặt để đăng ký hưởng lương, trợ cấp BHXH hàng tháng và đồng bộ thông tin và hệ thống cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.

Bà Phương Thị Toan, tổ 27, cụm 4, phường Xuân La (quận Tây Hồ) cho biết, do không có thẻ ATM, nên mỗi đợt lĩnh lương hưu, bản thân lại phải đến tận nơi để nhận tiền mặt, rất bất tiện và tiềm ẩn nhiều rủi ro. “Khi được lực lượng chức năng mời ra phường để cập nhật thông tin, đăng ký mở tài khoản ngân hàng để nhận lương hưu, chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi” – bà Nguyễn Thị Toan chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND phường Xuân La Trịnh Minh Hiếu cho biết, thực hiện Kế hoạch 172/KH-UBND của UBND quận Tây Hồ về việc triển khai giải pháp ứng dụng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư trong chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, lực lượng chức năng phường và hệ thống chính trị khu dân cư đã “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà”, rà soát, vận động người dân đăng ký nhận hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Lực lưoựng chức năng phường Xuân La, quận Tây Hồ hướng dẫn người dân làm thủ tục đăng ký mở thẻ, cập nhật thông tin dữ liệu Quốc gia về dân cư.
Lực lưoựng chức năng phường Xuân La, quận Tây Hồ hướng dẫn người dân làm thủ tục đăng ký mở thẻ, cập nhật thông tin dữ liệu Quốc gia về dân cư.

“Trên địa bàn phường hiện có hơn 2.700 trường hợp được hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, trong đó, 1.935 trường hợp đã có thẻ ATM, còn lại 765 người vẫn nhận tiền mặt. Trong 2 ngày 21, 22/5, các lực lượng chức năng phường đã phối hợp làm thủ tục mở tài khoản mới hoặc uỷ quyền nhận qua tài khoản cho gần 600 người. Những trường hợp còn lại UBND phường cử lực lượng đến tận nhà để thực hiện” – Phó Chủ tịch UBND phường Xuân La Trịnh Minh Hiếu chia sẻ.

Trong khi đó, tại phường Bưởi - địa bàn có gần 2.000 trường hợp hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, công tác trên cũng đang được gấp rút thực hiện. Lãnh đạo phường Bưởi chia sẻ, những ngày qua, phường đã huy động đội ngũ đoàn viên thanh niên, quân sự phường… phối hợp với lực lượng Công an phường và các đơn vị chuyên môn hỗ trợ người dân đăng ký, câp nhật thông tin. “Đến nay, phường Bưởi đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra” – lãnh đạo phường Bưởi chia sẻ.

Không để ai bị bỏ lại phía sau trong công cuộc chuyển đổi số

Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương cho biết, thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) và Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng”…, UBND quận đã xây dựng và triển khai đến tất các đơn vị, tổ chức đoàn thể trên địa bàn.

Công an phường Yên Phụ triển khai kế hoạch đẩy mạnh thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng.
Công an phường Yên Phụ triển khai kế hoạch đẩy mạnh thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng.

Theo đó, với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong công cuộc chuyển đổi số, quận Tây Hồ đã tập trung tuyên truyền tới toàn bộ cấp uỷ Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, đặc biệt chú trọng tuyên truyền để người hưởng lương, trợ cấp BHXH nắm được chủ trương, phương thức triển khai, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân.

 

Đến 16 giờ 30 ngày 23/5, số người đăng ký, sử dụng thẻ ATM để nhận lương hưu, trợ cấp BHXH trên địa bàn quận Tây Hồ đã đạt 78,5%, nằm trong top đầu 30 quận, huyện.

 

Cùng với đó, UBND quận đã phân rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể, các đơn vị có liên quan trong việc thực hiện các nội dung của kế hoạch theo phương châm: đảm bảo đơn giản, thuận lợi, dễ tiếp cận, dễ sử dụng và phù hợp với nhóm người thụ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH; việc chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH không dùng tiền mặt phải đảm bảo tính công khai, minh bạch, đúng với các quy định hiện hành…

Quận Tây Hồ phấn đấu hoàn thành, hoàn thành vượt mức mốc thời gian TP Hà Nội yêu cầu.
Quận Tây Hồ phấn đấu hoàn thành, hoàn thành vượt mức mốc thời gian TP Hà Nội yêu cầu.

Theo thống kê của UBND quận Tây Hồ, tính đến 30/4/2024, trên địa bàn quận có 19.423 người được hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH. Trong đó, 10.538 người đã có thẻ ATM, đạt 54,26%; 8.895 người nhận tiền mặt, chiếm 45,7%. Theo Kế hoạch số 146/KH-UBND của UBND thành phố, trong tháng 5/2024, các đơn vị chức năng quận Tây Hồ phấn đấu 100% số người được hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH chuyển đổi hình thức chi trả bằng tiền mặt sang không dùng tiền mặt.

Mục tiêu là vậy, tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ quận đến phường, quận Tây Hồ dự kiến sẽ hoàn thành, hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra.