Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tây Hồ: Đề nghị hướng dẫn cụ thể về cấp phép xây dựng nhà ở liền kề di tích

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Theo UBND quận Tây Hồ, trong công tác bảo quản, tu bổ di tích, việc cấp phép xây dựng tại các công trình nhà ở liền kề di tích đang gặp nhiều khó khăn, chưa được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Sáng nay (29/5), đoàn khảo sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Hà Nội tiến hành khảo sát tại quận Tây Hồ về công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa và công tác đầu tư, khai thác, quản lý các thiết chế văn hóa thông tin, thể dục thể thao (VHTT, TDTT) trên địa bàn từ năm 2016 đến nay.
Đoàn đã đến khảo sát thực tế công trình Trung tâm VHTT&TT quận, Nhà văn hóa địa bàn dân cư số 5 - phường Xuân La và chùa Khai Nguyên.
 Đoàn công tác khảo sát thực tế tại Trung tâm VHTT&TT quận Tây Hồ.
Tại buổi làm việc tại UBND phường Xuân La, Phó Trưởng Phòng VH-TT quận Tây Hồ Chu Thị Thùy Giang cho biết: Trên địa bàn có 71 di tích chùa, đình, đền, miếu am, nhà thờ họ và di tích cách mạng, trong đó 39 di tích đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa, di tích cách mạng. Từ năm 2016 đến nay, quận đã dành ngân sách thỏa đáng cho công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, như đầu tư 12,9 tỷ đồng cho dự án tu bổ, tôn tạo Tam Bảo chùa Châu Lâm (giai đoạn I); 12,5 tỷ đồng cho dự án tu bổ, tôn tạo tổng thể hạ tầng kỹ thuật chùa Tĩnh Lâu…; đồng thời tích cực triển khai xã hội hóa vào các dự án tu bổ chùa.
Cùng với đó, trong đầu tư các thiết chế VHTT-TDTT, những năm qua quận tập trung xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ thống văn hóa (NVH) phường, nhà sinh hoạt địa bàn dân cư. Trong đó, ngân sách quận đã đầu tư xây dựng Trung tâm VHTT&TT quận gồm 2 cơ sở; 7/8 phường (trừ phường Tứ Liên) đã có NVH; 82/89 địa bàn dân cư đã có nhà sinh hoạt; 29 điểm sân chơi, vườn hoa được lắp đặt thiết bị TDTT…
 Toàn cảnh buổi làm việc tại UBND phường Xuân La.
Tuy nhiên, đại diện UBND quận cho hay, việc cấp phép xây dựng tại các công trình nhà ở liền kề di tích gặp nhiều khó khăn, chưa được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật. Việc giải quyết thủ tục hành chính liên quan cấp phép xây dựng của quận chỉ thực hiện trong 10 ngày, bao gồm cả việc xin ý kiến của Sở VH&TT Hà Nội. Vì vậy, quận đề nghị TP sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể việc cấp phép xây dựng tại các công trình nhà ở liền kề di tích. Đồng thời, đề nghị Sở VH&TT quan tâm giải quyết những vướng mắc trong hồ sơ điều chỉnh khoanh vùng 13 di tích trên địa bàn quận, việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt chùa Kim Liên.
Để góp phần giải quyết khó khăn trong đầu tư, khai thác, quản lý thiết chế VHTT-TDTT, quận đề nghị UBND TP thông qua HĐND TP ban hành văn bản chỉ đạo về quy hoạch sử dụng đất, chính sách đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, quy định cụ thể về cơ sở vật chất, thiết bị, kinh phí hoạt động, số cán bộ, cộng tác viên và chế độ thù lao, cơ chế thực hiện xã hội hóa văn hóa với các trung tâm VH-TT xã, phường.
Lắng nghe các ý kiến của đại diện UBND quận, phường, địa bàn dân cư và các sở, ngành liên quan, đoàn giám sát ghi nhận những nỗ lực của quận, phòng, ban, phường trên địa bàn gần đây trong bảo quản, tu bổ, phục hồi, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và đầu tư, khai thác, quản lý các thiết chế VHTT-TDTT.
Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Nguyễn Thanh Bình cũng khẳng định tiếp thu toàn bộ kiến nghị, đề xuất của chính quyền quận, phường, người dân để trao đổi cụ thể với các sở, ngành liên quan trong buổi làm việc với Sở VH-TT tới đây, từ đó thống nhất đề xuất với HĐND TP các giải pháp tháo gỡ.