Tây Hồ khai thác lợi thế, duy trì tốc độ tăng trưởng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2015, quận Tây Hồ bước sang tuổi thứ 20. Một chặng đường xây dựng và phát triển chưa dài, nhưng cũng đủ hình thành và khẳng định bản sắc của vùng đất nhiều cảnh quan thiên nhiên và các di sản văn hóa, lịch sử có giá trị.

Như lãnh đạo quận khẳng định: Quận sẽ tiếp tục khai thác những lợi thế này, chuyển dịch cơ cấu kinh tế “dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp”.

Nhìn lại những kết quả đã đạt được năm 2014, điểm nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế của quận đã duy trì tốt. Tổng giá trị sản xuất của một ngành nghề chủ yếu đạt trên 3.782 tỷ đồng, tăng 9,2% so với năm trước. Trong đó, giá trị sản xuất ngành dịch vụ đạt hơn 2.200 tỷ đồng, tăng 14,3% so với năm 2013; giá trị sản xuất ngành công nghiệp, xây dựng cũng tăng 5,8%, tương đương hơn 1.565 tỷ đồng; ngành nông, lâm, thủy sản giảm 15% so với năm trước. Tổng thu ngân sách trên địa bàn quận đã đạt 929,121 tỷ đồng, đạt 158% so với kế hoạch năm. 
Tây Hồ khai thác lợi thế, duy trì tốc độ tăng trưởng - Ảnh 1
Trong những năm qua, quận cũng đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng xây mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, phúc lợi công cộng, mở rộng các tuyến đường giao thông, bê tông hóa đường dân sinh... Ngay trong năm vừa qua, quận đã hoàn thành 9 dự án đưa vào sử dụng như trường THCS An Dương, tiểu học Chu Văn An... “Năm trật tự và văn minh đô thị - 2014” cũng được quận triển khai đồng bộ với việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình xây dựng trọng điểm, cải tạo hệ thống chiếu sáng, cảnh quan đô thị. Những công việc này sẽ được quận tiếp tục đẩy lên một bước trong năm 2015 để tạo diện mạo đô thị mới.

Với lợi thế Hồ Tây, từ năm 2010, Quận ủy Tây Hồ đã ban hành “Chương trình quản lý, khai thác Hồ Tây và các vùng phụ cận gắn với phát triển kinh tế trên địa bàn giai đoạn 2010 - 2015”. Từ đó, quận cụ thể hóa bằng các đề án như “Phát triển trồng hoa sen trên một số hồ nhỏ khu vực xung quanh Hồ Tây”, “Phát triển dịch vụ giải trí câu cá xung quanh Hồ Tây”, “Hoạt động dịch vụ, du lịch trên mặt nước và xung quanh Hồ Tây”, “Quản lý và bảo vệ môi trường xung quanh Hồ Tây”... Năm vừa qua, nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây với tổng mức đầu tư hơn 60 tỷ đồng đã đưa vào sử dụng; công tác nạo vét hồ được triển khai... đó chính là những tiền đề cho quận khai thác những tiềm năng của hồ cho phát triển kinh tế, gắn với bảo vệ cảnh quan nơi đây.

Lãnh đạo quận Tây Hồ nhận định: Cùng với Hồ Tây, quận hội tụ nhiều di tích lịch sử, văn hóa có giá trị và cũng là nơi có nhiều nghề truyền thống như trồng hoa, nuôi cá cảnh... Trong năm 2015, quận sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, tập trung huy động mọi nguồn lực, khai thác lợi thế, để phát triển kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ, du lịch. Với mục tiêu tăng tổng giá trị sản xuất trên địa bàn thêm 11% so với năm 2014, trong đó giá trị ngành dịch vụ tăng 13,8%, ngành công nghiệp tăng 7,5%... quận đã triển khai hàng loạt giải pháp để thúc đẩy kinh tế phát triển. Cùng với đó, tiếp tục xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đô thị hiện đại, nâng cao chất lượng môi trường; tăng cường quản lý trật tự đô thị, đất đai; đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, dân sinh... thực sự đưa Tây Hồ trở thành một trung tâm du lịch văn hóa đặc biệt của Thủ đô.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần