Tây Hồ tổ chức điểm bán bánh Trung thu lưu động

Vân Nhi - Duy Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sáng nay (19/9), tại trường Tiểu học Chu Văn An, phường Thụy Khuê – điểm bán bánh Trung thu lưu động đã được đưa vào hoạt động dưới sự giám sát, quản lý về công tác phòng, chống dịch Covid-19 của các lực lượng chức năng phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ.

 Quận Tây Hồ tổ chức điểm bán bánh Trung thu lưu động tại trường tiểu học Chu Văn An.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Quang Ngọc – Chủ tịch UBND phường Thụy Khuê cho biết, trước tình trạng người dân tụ tập đông người, xếp hàng chờ mua bánh  trung thu tại một số cơ sở trên địa bàn không đảm bảo quy định về phòng, chống dịch trong những ngày vừa qua; thực hiện chỉ đạo của Sở Chỉ huy phòng, chống dịch quận Tây Hồ; căn cứ vào nguyện vọng của các cơ sở kinh doanh, sản xuất bánh Trung thu, Sở Chỉ huy phòng, chống dịch đã bố trí điểm bán bánh Trung thu lưu động tại trường Tiểu học Chu Văn An để phục vụ nhu cầu của người dân và DN.
 Lực lượng chức năng nhắc nhở người dân đảm bảo khoảng cách khi xếp hàng chờ mua hàng.
Để đảm bảo nhu cầu của người dân và DN, ngay trong sáng nay, UBND phường Thụy Khuê đã huy động các lực lượng như Công an phường, bảo vệ dân phố và đoàn thanh niên phường trực tiếp tham gia đảm bảo an ninh trật tự, giám sát việc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch đối với người dân đến mua bánh cũng như các cơ sở kinh doanh.

 Người dân khi đến mua hàng sẽ được yêu cầu khử khuẩn tay...
Bà Nguyễn Hoài An (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) một trong những người đến mua bánh trung thu tại điểm lưu động cho biết, chục năm nay, cứ đến dịp này bà lại lên phố Thụy Khuê xếp hàng để mua cho được cặp bánh về thắp hương…
"Sáng hôm qua (18/9), tôi đã đến đây để mua bánh, nhưng thấy đông người quá, chờ gần đến lượt thì các cơ sở lại dừng bán hàng và được thông báo ngày mai đến đây (trường Tiểu học Chu Văn An) nhận phiếu, xếp hàng mua bánh" - bà An chia sẻ.
 và đo thân nhiệt theo quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Cũng theo bà Nguyễn Hoài An, so với mọi năm, năm nay việc mua được cặp bánh trung thu truyền thống khó khăn hơn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, việc phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ tổ chức điểm bán hàng lưu động là rất cần thiết, sang tạo. Bởi vừa đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch, vừa xử lý được tình trạng chen lấn, xô đẩy như những năm trước… “Đây là cách làm hay không chỉ trong mùa dịch mà cần được triển khai trong những  mùa trung thu tiếp theo” – bà Nguyễn Hoài An chia sẻ.
 Người dân được yêu cầu ngồi giữ đúng khoảng cách chờ đến lượt.
Ông Phạm Hải Đăng – Chủ cơ sở Bảo phương 2 (201A Thụy Khuê) cho hay, năm nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp, các cơ sở đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện về phòng, chống dịch Covid-19 theo yêu cầu. Tuy nhiên, do dịch bệnh kéo dài, các cơ sở gặp khó khăn trong việc vận chuyển nguyên vật liệu, nhân công… nên chưa đáp ứng được hết nhu cầu của người dân, dẫn đến tình trạng người dân tụ tập đông người, không đảm bảo khoảng cách trong những ngày qua.
 Tại khu vực giao hàng, chủ cơ sở đã bố trí vách ngăn nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Trước tình trạng trên, được sự hỗ trợ của UBND phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ về việc bố trí điểm bán hàng lưu động cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, trong sáng nay, cơ sở đã huy động nhân viên phối hợp với chính quyền địa phương trong việc phát phiếu mua bánh, tổ chức bán hàng theo đúng quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Trước đó, ngày 18/9, sau khi báo Kinh tế & Đô thị có bài phản ánh về tình trạng người dân tự tập đông người, xếp hàng chờ mua bánh không đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, cùng với việc yêu cầu các cơ sở tạm dừng hoạt động, lực lượng chức năng quận Tây Hồ đã có tiến hành kiểm tra, lắng nghe ý kiến của các cơ sở kinh doanh.
 Lãnh đạo quận Tây Hồ kiểm tra hoạt động của điểm bán bánh trung thu lưu động.
Tại buổi làm việc, 2 cở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu là Bảo Phương và Hương Tràm đã kiến nghị UBND phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ cho phép được bán hàngểu trường Tiểu   học Chu Văn An từ nay cho đến Rằm Trung thu.
Các cơ sở còn lại xin được tiếp tục bán hàng tại cơ sở và cam kết thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, nếu xuất hiện tình trạng tụ tập đông người cơ sở sẽ tạm thời đóng cửa.

Đã từ lâu Rằm Trung thu (hay Tết Thiếu nhi) đã trở thành một nét đẹp văn hóa có truyền thống lâu đời của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tại một số nơi, nhất là tỉnh phía Nam rất nhiều em nhỏ không được đón Tết Thiếu nhi một cách chọn vẹn.
Tại Hà Nội, mặc dù dịch bệnh đang từng bước được kiểm soát, song những mối hiểm nguy vẫn hiện hữu và có nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào. Do đó, hơn lúc nào hết, đặc biệt trong dịp Rằm Trung thu sắp cận kề mỗi người dân Thủ đô cần nâng cao ý thức phòng, chống dịch, tổ chức các hoạt động đón Tết Thiếu nhi một cách đơn giản nhất… để Việt Nam sớm đẩy lùi dịch bệnh, cuộc sống sớm trở lại trạng thái bình thường.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần