Thế nhưng, sau 28 năm xây dựng và phát triển, với tinh thần đoàn kết, cách làm sáng tạo…, quận Tây Hồ đã có những bước phát triển thần tốc trên nhiều lĩnh vực.
Bài 1: Khơi dậy những tiềm năng
Từ nhiều năm nay, khi nhắc đến quận Tây Hồ, người ta sẽ nhắc ngay đến Hồ Tây và khi nhắc đến Hồ Tây người ta sẽ nhớ đến một địa điểm tập trung nhiều di tích lịch sử, văn hóa. Nhận thức được thế mạnh, nhiều năm qua, quận Tây Hồ luôn xác định hồ Tây và các di tích lịch sử… sẽ là nền tảng cho sự phát triển bền vững của quận.
Phát huy sức mạnh nội tại
Hồ Tây được biết đến là “lá phổi xanh” trong lòng TP, một trong những thắng cảnh đẹp của Thủ đô Hà Nội, với không gian thoáng rộng, phong cảnh đẹp và yên tĩnh. Thế nhưng, sẽ thực sự là thiếu sót lớn nếu bỏ qua 71 di tích lịch sử bao quanh Hồ Tây, trong đó có 42 di tích được xếp hạng như: chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ, chùa Tảo Sách, chùa Vạn Niên, đền Đồng Cổ… và những làng nghề truyền thống như: đào Nhật Tân, Phú Thượng; quất cảnh Tứ Liên, Quảng Bá; trà sen Quảng An, cá cảnh Yên Phụ; xôi Phú Thượng; giấy Dó (Bưởi)… - những địa danh đã nằm trong các tour du lịch văn hóa, danh sách điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến với Hà Nội.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ cho hay, với vị trí địa lý và bề dày lịch sử, ngay từ khi thành lập, Đảng bộ quận Tây Hồ đã xác định “Quyết tâm phát huy nội lực, khai thác mọi tiềm năng, lợi thế, xây dựng quận Tây Hồ thành trung tâm dịch vụ - du lịch văn hóa của Thủ đô”. Mục tiêu đó được triển khai thực hiện xuyên suốt bằng các chương trình, đề án cụ thể qua các kỳ đại hội nhằm tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích và ưu tiên các DN, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển kinh doanh dịch vụ, du lịch, vui chơi, giải trí, văn hóa, ẩm thực góp phần quảng bá hình ảnh quận Tây Hồ vừa hiện đại, văn minh vừa giàu truyền thống, bản sắc văn hóa.
Cụ thể, cùng với việc bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản văn hóa sẵn có như: chùa Trấn Quốc, Phủ Tây Hồ, chùa Kim Liên, đền Voi Phục… quận đã triển khai thực hiện các đề án nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của các làng nghề truyền thống: “Điểm du lịch, dịch vụ văn hóa và phục dựng mô hình làng nghề giấy Dó, phường Bưởi”; “Phát triển trồng hoa sen trên một số hồ nhỏ khu vực xung quanh Hồ Tây”; “Trung tâm giới thiệu và thưởng thức trà sen Tây Hồ phường Quảng An”; “Phát triển làng nghề hoa đào Nhật Tân, quất cảnh Tứ Liên gắn với dịch vụ du lịch”…
Cùng với đó, Quận ủy Tây Hồ đã tập trung chỉ đạo và quan tâm đầu tư phát triển dịch vụ du lịch. Trong đó, UBND quận đã ban hành các kế hoạch quản lý và phát triển du lịch trên địa bàn quận, tổ chức chương trình gặp mặt, hội thảo “Giới thiệu tiềm năng du lịch Tây Hồ” với sự tham gia của hơn 100 đại diện các công ty lữ hành và cơ quan báo chí. Đồng thời, không ngừng quảng bá, tạo điều kiện cho DN xây dựng các địa điểm du lịch, vui chơi giải trí mới như: bãi đá Sông Hồng, thung lũng hoa Hồ Tây, chùa Vạn Niên… để tạo thêm điểm đến, thu hút du khách đến với Tây Hồ.
Nâng tầm các di sản
Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến chia sẻ, những năm qua, nhận thức được tầm quan trọng của di sản văn hóa, quận Tây Hồ luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác gìn giữ, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa trong sự nghiệp phát triển KT – XH. Đồng thời, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, một trong những động lực tạo nên bản sắc và sức mạnh nội sinh trong quá trình phát triển quận Tây Hồ trở thành trung tâm dịch vụ - du lịch - văn hóa của Thủ đô.
Cũng theo ông Nguyễn Đình Khuyến, trải qua những thăng trầm của lịch sử, sự phát triển ngàn năm văn hiến của Thăng Long – Hà Nội, ngày nay, trên địa bàn quận Tây Hồ còn lưu lại nhiều di tích lịch sử - văn hóa giá trị. Trong đó, nhiều di tích mang giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc đặc sắc, độc đáo, dù đã trải qua quá trình đô thị hóa nhưng đến nay vẫn luôn trường tồn với thời gian, gắn liền với truyền thống yêu nước của dân tộc, và đền Đồng Cổ (phường Bưởi) là một trong những ví dụ điển hình.
“Để định vị giá trị, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đền Đồng Cổ một cách tương xứng, với sự đồng hành, hỗ trợ của Sở VH&TT Hà Nội, sự hướng dẫn, giúp đỡ của Cục Di sản văn hóa phi vật thể, Bộ VHTT&DL, các nhà khoa học đầu ngành văn hóa… Hội thề Trung hiếu Đền Đồng Cổ đã được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia – Đây là sự kiện hết sức quan trọng đối cán bộ, Nhân dân quận Tây Hồ” - Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến nhấn mạnh.
Cùng với việc bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh…, quận Tây Hồ cũng đang tập trung phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động Không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ gắn với phố Trịnh Công Sơn với các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật, triển lãm, giới thiệu sản phẩm làng nghề… nhằm thu hút và đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của du khách trong và ngoài nước đến với Tây Hồ.
Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương
Đề cập đến công tác phát huy giá trị của các di tích lịch sử, Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng cho biết, không chỉ “dựa” vào di tích để phát triển dịch vụ thương mai, du lịch, văn hóa… Quận Tây Hồ đã biên soạn cuốn tài liệu giảng dạy lịch sử địa phương - “Tây Hồ vùng đất và con người”, đồng thời yêu cầu các cơ sở giáo dục thường xuyên tổ chức các chương trình ngoại khóa giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa cho học sinh trên địa bàn… để bồi đắp, nuôi dưỡng những tư tưởng tốt đẹp của hội thề Trung Hiếu đền Đồng Cổ, từ đó góp phần đào tạo ra những thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước có ý thức, trách nhiệm với gia đình, xã hội và với đất nước.
(Còn nữa)