"Tây" tự xưng VIP để lừa đảo

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thủ đoạn lừa đảo của tội phạm người nước ngoài kiểu tự xưng chức danh như chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc, trưởng chi nhánh, trưởng văn phòng, giám đốc phụ trách đầu tư... xuất hiện ngày một nhiều.

KTĐT - Thủ đoạn lừa đảo của tội phạm người nước ngoài kiểu tự xưng chức danh như chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc, trưởng chi nhánh, trưởng văn phòng, giám đốc phụ trách đầu tư... xuất hiện ngày một nhiều. Đáng chú ý, các chiêu tự xưng "VIP" nói trên không chỉ xuất hiện ở những nơi có "truyền thống" tội phạm kinh tế xuyên quốc gia mà cả những đối tượng phạm tội gốc châu Phi, Mỹ Latinh - những nơi vốn ít thấy chiêu lừa đảo kiểu này tại Việt Nam. 

Tự xưng tổng giám đốc, chủ tịch HĐQT, nhận tiền rồi... bùng!

Nổi lên việc một số đối tượng người nước ngoài và cả Việt kiều (chủ yếu từ Mỹ, Nga, Đức, Indonesia, Campuchia…) về Việt Nam để lừa đảo một số doanh nghiệp Việt Nam. Tranh thủ giai đoạn khủng hoảng kinh tế, các doanh nghiệp trong nước khát vốn và muốn tìm cơ hội đầu tư, thủ đoạn của bọn tội phạm là hứa hẹn cho các doanh nghiệp vay vốn để kinh doanh sau đó chiếm đoạt tiền đặt cọc.

Để đảm bảo sự tin tưởng của các doanh nghiệp, các đối tượng thường tự xưng là giám đốc, lãnh đạo, nhân viên của các tập đoàn, các công ty tài chính lớn về Việt Nam tìm kiếm đối tác, đầu tư hoặc hỗ trợ tài chính.

Nhiều đối tượng sử dụng các loại giấy tờ giả của các cơ quan tổ chức kinh tế trên thế giới như giấy chứng nhận kinh doanh, giấy chứng nhận tài khoản của các ngân hàng ở nước ngoài... khiến doanh nghiệp trong nước tin là giấy thật. Khi có "bảo bối" là các giấy tờ giả trong tay, chúng lừa cho vay vốn rồi chiếm đoạt tiền đặt cọc của doanh nghiệp, cá nhân.

Tổng cục Cảnh sát nhận định: Các nạn nhân bị lừa một phần do lòng tham, thiếu hiểu biết về pháp luật, phần vì cả tin trước danh VIP và các giấy tờ chứng tỏ uy tín của tổ chức, cá nhân. Trong một số vụ, số tiền bị chiếm đoạt lên tới hàng chục tỷ đồng. Hoạt động này chủ yếu diễn ra tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM và các tỉnh có nhiều hoạt động đầu tư nước ngoài...

Từ đầu năm 2009 tới nay, Tổng cục Cảnh sát tiếp nhận 309 lượt thông tin về tội phạm kinh tế... truy bắt dẫn độ tội phạm, trong đó đã xác minh làm rõ 223 đối tượng và tư cách pháp nhân của 47 công ty liên quan đến hoạt động phạm tội xuyên quốc gia tại Việt Nam.

TP HCM đứng đầu tội phạm kinh tế có yếu tố nước ngoài

TP HCM là nơi diễn ra nhiều hoạt động phạm tội kinh tế liên quan đến người nước ngoài. Từ đầu năm đến nay, tại đây phát hiện nhiều người nước ngoài nhập cảnh trái phép, hoạt động sai mục đích nhập cảnh. Những người này mang quốc tịch Nigeria, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và một số nước châu Á như Hàn Quốc, Philippines, Ấn Độ...

Theo Công an TP HCM, ước tính trong năm 2009 có gần 1,2 triệu người nước ngoài nhập cảnh vào thành phố. Qua rà soát, cơ quan Công an phát hiện, xử lý 9 vụ với 16 người chuyển tiền, sử dụng thẻ tín dụng giả, giấy tờ giả để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Đáng chú ý, nhiều người đến từ châu Phi như Cameroon, Nigeria... nhập cảnh theo hình thức du lịch rồi vào làm việc thời vụ cho các doanh nghiệp trong nước hoặc thông qua người Việt Nam đứng tên xin giấy phép đầu tư, kinh doanh. Một số đối tượng lợi dụng việc doanh nghiệp cần vốn để ký hợp đồng vay rồi nhận phí dịch vụ, tiền cọc nhưng không chuyển tiền để lừa đảo chiếm đoạt.

Có vụ số tiền chiếm đoạt rất lớn, điển hình như Hui Wang Hin (người Trung Quốc) đã lừa đảo ký hợp đồng bán xe ô tô, máy móc công trình cho 2 công ty tại Việt Nam, trị giá bản hợp đồng lên tới 2 triệu USD. Có được số tiền lớn, Hui Wang Hin không phải đi lấy máy móc, ô tô như cam kết và... mang vào casino. Hui Wang Hin được Công ty Sany cử sang Việt Nam để mở văn phòng đại diện tại Hà Nội với chức năng tiếp thị, quảng bá sản phẩm (không có chức năng bán hàng). Thế nhưng, đối tượng này đã lợi dụng danh nghĩa của công ty, dùng thủ đoạn scan bản hợp đồng gốc để lừa ký hợp đồng bán xe ô tô, máy móc công trình cho Công ty Hoàn Cầu và Công ty Sông Mã, trụ sở ở Mễ Trì, Từ Liêm để chiếm đoạt 2 triệu USD. Chỉ trong một vụ đánh bạc ngay sau khi thực hiện hành vi lừa đảo, hắn thua trắng 240.000 USD!

Xuất hiện hành vi nghi vấn rửa tiền

Năm 2009, tiếp tục xuất hiện các hoạt động nghi vấn liên quan đến rửa tiền xuyên quốc gia hoặc lừa đảo bằng thủ đoạn sử dụng lệnh giả chuyển tiền để chiếm đoạt tài sản. Một số đối tượng vào Việt Nam sử dụng giấy tờ giả để mở tài khoản tại ngân hàng thương mại, sau đó thông qua đồng bọn tại nước ngoài để chuyển tiền thu được từ hoạt động bất hợp pháp hoặc ra lệnh giả chuyển tiền vào những tài khoản này. Sau khi tiền được chuyển, các đối tượng thường yêu cầu ngân hàng cho rút hết tiền trong tài khoản và trốn tránh sự truy tìm của cơ quan pháp luật.

Qua xác minh cho thấy hầu hết số tiền thu được từ hoạt động bất hợp pháp mà bọn tội phạm chuyển vào Việt Nam là tiền có được từ hoạt động buôn lậu ma túy, lừa đảo… Trong trường hợp đặt lệnh giả chuyển tiền, các đối tượng thường lấy cắp thông tin cá nhân hoặc thông tin mật của các doanh nghiệp, sau đó đặt lệnh yêu cầu ngân hàng nước ngoài chuyển tiền đến các ngân hàng của Việt Nam.

Đáng chú ý xuất hiện một số vụ việc vận chuyển một số lượng tiền mặt lớn qua cửa khẩu đường bộ, đường không nhưng không khai báo hải quan nhiều khả năng liên quan đến rửa tiền hoặc buôn lậu ma túy hoặc chuyển tiền bất hợp pháp.

Trong khi đó, hoạt động buôn lậu ôtô, các thiết bị máy móc…của các doanh nghiệp Việt Nam cũng diễn biến phức tạp. Thủ đoạn hoạt động rất tinh vi, khó phát hiện với cơ quan chức năng...

Gần đây nổi lên một số vụ án kinh tế mà các đối tượng, các công ty ở trong nước cấu kết với công ty ở nước ngoài để làm giả nhãn mác hoặc buôn lậu hàng hóa vào Việt Nam tiêu thụ. Điển hình như vụ việc đang được Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ điều tra: Công ty In tem có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc ký kết hợp đồng in mác hộp và thùng rượu với Công ty Dragon Holidays của Campuchia. Văn phòng Interpol Việt Nam đã phối hợp với Cảnh sát Campuchia xác minh làm rõ công ty này cũng như việc ký kết hợp đồng với công ty của Việt Nam.

TP HCM: Phát hiện người nước ngoài sử dụng thẻ tín dụng giả mua hàng

Chiều 28/11, tại Siêu thị Điện máy Thiên Hoà số 277B đường Cách Mạng Tháng Tám phường 12, quận 10, nhân viên bán hàng phát hiện một người nữ, quốc tịch nước ngoài đến siêu thị mua ĐTDĐ loại có giá 12.190.000đ và thanh toán bằng thẻ tín dụng giả nên điện báo với cơ quan Công an.

Tại Công an phường, qua làm việc, đối tượng khai tên Gurung Nirmala (24 tuổi) quốc tịch Nepal, đang lưu trú tại quận 1, lực lượng phối hợp còn thu giữ trên người thị 2 thẻ tín dụng giả khác.

Vụ việc đang được Công an quận 10 phối hợp với Phòng An ninh kinh tế và Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an TP HCM điều tra làm rõ

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần