Hiện nay, không ít người vợ dù được ăn học, nhưng lại có thái độ cư xử, ăn nói rất vô ý, có thể do vô tình, thậm chí là cố ý và cũng nảy sinh mâu thuẫn chính từ đó. Một người đàn ông phàn nàn về bản tính “ruột để ngoài da” của vợ, dù được nhắc nhở nhiều nhưng chưa biết bao giờ mới sửa được, bởi càng về sau, tính “vô tư” của cô càng nhiều hơn.
Anh kể: Một lần người họ hàng ở quê lên cho quà quê là mấy nải chuối. Cô cầm ngay lên nhìn và hồn nhiên nói: “Quả bé tý thế này chắc chả ngon”... Đấy chỉ là chuyện nhỏ, ngay cả ứng xử với bạn bè, mọi người trong gia đình cô cũng nghĩ gì nói thế, không bao giờ suy nghĩ.
Chính sự “vô duyên” của cô đã trở thành một rào cản khiến anh rất ngại ngần mỗi lần đi với vợ. Đến một lúc chính anh cũng không hiểu sao mình không muốn trở về nhà để phải nghe những lời nói “mất lòng” từ vợ. Anh luôn ước, giá mà cô thay đổi một chút, giá mà cô hiểu được hai chữ “lựa lời”, chắc anh cũng không có những lúc chán vợ đến thế.
Dù cuộc sống đã có nhiều thay đổi trong quan niệm, nhưng với người đàn ông, câu "giàu vì bạn, sang vì vợ" vẫn luôn được nhiều người tâm đắc. Nhiều bà vợ khéo léo có thể làm cho chồng được tôn vinh, hãnh diện nhưng cũng không ít chị em chưa biết cách ứng xử lại khiến chồng mất mặt. Thường đàn ông rất coi trọng sĩ diện, nếu bị bạn đời làm cho bẽ bàng, họ sẽ có cảm giác bị xúc phạm ghê gớm.
Một người khác kể, vợ anh không biết là vô tình hay cố ý, nhưng cứ mỗi khi nhà có khách chị lại mang con ra “dạy” với những câu như: “Trời ơi là trời, suốt ngày bày bừa thế này, ai dọn nổi”... Rồi tiếng quát của mẹ, tiếng khóc của trẻ, khiến anh và cả những người khách cũng thấy ngại ngần. Chưa một lần anh được tự hào về vợ dù anh luôn tạo điều kiện cho chị thể hiện.
Như nghiên cứu của các chuyên gia tâm lý đã chỉ ra, vô duyên có thể bắt nguồn từ bản tính vô tâm hoặc hài hước không đúng chỗ. Chính “ruột để ngoài da” nên bạ đâu nói đó, bạ gì làm nấy mà không biết hành động ấy có thể khiến người bạn đời xấu hổ. Cũng có khi đó là những câu trêu đùa nhưng bị đặt nhầm chỗ, nhầm thời điểm.
Nhiều lúc, người trong cuộc không thể tự nhận biết mình đang vô duyên, gây khó chịu cho người đối diện. Nếu được người bạn đời góp ý, họ lại tự ái hoặc nổi cáu vì cho rằng, quan điểm của bản thân là đúng.
Thực tế đã cho thấy, cùng với muôn vàn vấn đề cần quan tâm trong cuộc sống gia đình, việc ý thức được tầm quan trọng của khả năng giao tiếp sẽ góp phần không nhỏ vào vun đắp hạnh phúc. Một người đàn ông vẫn luôn tự hào bởi vợ anh luôn được khen là “khéo” đã chia sẻ câu chuyện như một bài học nhỏ về nghệ thuật ứng xử. Anh bảo, chính cách nói của chị đã giúp anh bỏ được hai thói quen xấu là hút thuốc và uống rượu bằng cách mà anh cũng không ngờ tới.
Không cáu, không đay nghiến, hàng ngày chị chỉ nhẹ nhàng bảo: “Anh bỏ thuốc nhé, hút thuốc hại sức khỏe, bia rượu cũng vậy, anh uống ít thôi”. Mỗi lần anh gãi đầu cười, hứa qua loa vài câu rồi đâu lại vào đấy. Chị lại bảo: “Em không muốn bắt anh từ bỏ thú vui của bản thân mình đâu, nhưng nhìn anh hủy hoại sức khỏe bằng khói thuốc và rượu bia em đau lòng lắm”. Chị nói thế thì anh còn biết làm sao. Rồi cứ ngày một ngày hai chị rủ rỉ vào tai anh những điều dịu ngọt, nghĩa tình như thế. Anh cũng không biết tự bao giờ mình lại hút ít thuốc đi, rồi bỏ hẳn.
Rượu cũng chỉ được uống vào những dịp không thể đừng mà thôi. Trong nhà đã vậy, ra ngoài chị cũng luôn làm anh “nở mặt” bởi cách cư xử của mình. Chị khéo léo, cư xử đúng mực trong các mối quan hệ, luôn thể hiện sự tôn trọng với chồng, với mọi người và mang lại thiện cảm cho người đối diện. Mỗi lần như thế, anh nhìn vợ và tự thấy lòng mình vui lạ. Anh luôn muốn song hành cùng vợ trong bất cứ chuyện gì.
Từ câu chuyện ấy mới thấy, cách thức giao tiếp với mọi người xung quanh cũng có tác động lớn đến hạnh phúc hôn nhân. Nếu người vợ, người chồng luôn nghĩ đến những người xung quanh mình trước khi nói hay làm điều gì, không chỉ giúp bản thân có được sự thiện cảm, mà còn tránh đưa mình vào những tình huống dở khóc dở cười.