Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) đã công bố Báo cáo tài nguyên Internet Việt Nam 2019. Đây là ấn phẩm đặc biệt tái hiện bức tranh toàn cảnh về sự phát triển tài nguyên internet tại Việt Nam trên chặng đường 20 năm thành lập và phát triển của VNNIC, đồng hành với sự phát triển chung của Internet Việt Nam.
Báo cáo tài nguyên Internet Việt Nam được xuất bản lần đầu tiên vào năm 2012 và từ đó đến nay đã trở thành báo cáo thường niên cung cấp số liệu và kết quả phát triển tài nguyên Internet hàng năm của Việt Nam, qua đó phản ánh về hoạt động Internet và sự tăng trưởng của kinh tế Internet Việt Nam.
Tên miền, địa chỉ, số hiệu mạng là các tham số định danh cho các thực thể tham gia vào hoạt động internet, đóng vai trò nền tảng cho sự vận hành, phát triển của internet.
Trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, internet chính là nền tảng hạ tầng cho nền kinh tế số, do đó tài nguyên internet càng phát huy vai trò quan trọng, đảm bảo sự phát triển Internet quốc gia.Nhìn lại chặng đường 20 năm vừa qua, có thể thấy, phía sau các mốc tăng trưởng bùng nổ của internet tại Việt Nam là những dấu ấn về sự phát triển về tài nguyên Internet (tên miền, địa chỉ, số hiệu mạng) và hoạt động an toàn, ổn định của hệ thống kỹ thuật hạ tầng Internet trọng yếu quốc gia (hệ thống DNS quốc gia, Trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX).
Theo Báo cáo của VNNIC, tính đến 31/10/2019, số lượng tên miền tại Việt Nam đạt mốc 500.000 tên miền, gấp khoảng 1.000 lần so với ngày đầu VNNIC được thành lập. Tên miền ".vn" là tên miền quốc gia có số lượng đăng ký sử dụng lớn nhất khu vực Đông Nam Á và top 10 Châu Á Thái Bình Dương.
Về địa chỉ IP, đến hết tháng 10/2019, số lượng địa chỉ IPv4 Việt Nam sở hữu đạt 16.001.024 địa chỉ, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á, thứ 8 khu vực châu Á và đứng thứ 29 toàn cầu.
Sự phát triển như vũ bão của internet đã dẫn đến sự cạn kiệt địa chỉ IPv4. Đón trước xu thế tất yếu này, Việt Nam đã triển khai các hoạt động nhằm thúc đẩy và chuẩn bị cho việc chuyển đổi sang sử dụng địa chỉ internet thế hệ mới IPv6 từ năm 2008. Mục tiêu của quá trình chuyển đổi này là đảm bảo “Internet Việt Nam hoạt động an toàn, ổn định trên nền tảng công nghệ IPv6 từ năm 2019.
Qua chặng đường 10 năm thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, Việt Nam hiện là quốc gia có kết quả ứng dụng triển khai IPv6 nổi bật, đáng ghi nhận.