Các cầu thủ ngoại nhập tịch đã trở thành một thành phần không thể thiếu của bóng đá VN. Gắn bó với bóng đá, với quê hương thứ hai của mình, các cầu thủ này đã nhớ lại những kỷ niệm tuyệt vời khi được ăn Tết cổ truyền VN.
Đoàn Văn Nirut: Tết Việt thật ấn tượng
Sống ở VN gần 7 năm, nên chàng cầu thủ gốc Thái Lan, Đoàn Văn Nirut đã có những giây phút không thể nào quên khi đón năm mới cùng với đồng đội và bạn bè của mình. Năm 2003, năm đầu tiên Nirut đón Tết ở VN cũng là năm anh thi đấu đầu tiên cho Bình Định. Dù được bạn bè kể rất nhiều về Tết VN, nhưng anh không ngờ những ngày lễ này lại ấn tượng đến như vậy.
“Sáng mùng một Tết, khi đang ở khách sạn thì được các đồng đội chạy đến chúc mừng năm mới, rồi họ kéo tôi đi đến nhà từng người, ai ai cũng mặc quần áo mới rất tươm tất, đẹp mắt, nhà nào cũng có mứt, rượu, bia, và nhiều loại bánh mứt khác, khiến tôi thỏa sức nếm từng loại một mà ngày thường rất hiếm thấy. Tôi được bạn bè chuẩn bị sẵn giùm các xấp phong bì, nên rất vui khi “lì xì” cho các cháu nhỏ”, Nirut nhớ lại cái Tết đầu tiên của mình trên đất Việt. Ở VN, Nirut rất thân thiện, cởi mở và hay la cà ở các quán cà phê nên anh có nhiều bạn bè. Bởi thế, những ngày Tết anh chàng Đoàn Văn Nirut thường say bí tỉ vì không thể từ chối. Nirut nói: “Tôi có nhiều bạn lắm, mà Tết nhất thì nhà nào thân quen mình cũng phải đến chúc. Vậy là chỉ đi một thoáng từ trưa đến chiều là đã say bí tỉ, vì bố mẹ, anh em của các bạn tôi đều nhiệt tình rót rượu chúc xuân, nên không thể từ chối được. Uống say, mệt lắm, nhưng lại rất vui, nên trong 3 ngày Tết, ngày nào tôi cũng đi chúc Tết nhà bạn bè”. Hiểu được văn hóa Việt và con người Việt, nên Nirut nhận xét: “Người VN làm lụng quanh năm vất vả mấy cũng đều trông chờ những ngày Tết đến. Tôi nhận thấy tất cả mọi người, dù có cuộc sống, thu nhập khác nhau, nhưng đều có điểm chung là họ ăn Tết rất vui vẻ và ấm cúng. Họ sẵn sàng quên đi những lo toan, muộn phiền của năm cũ để đón Tết thoải mái, đó là cách sống rất quý mà tôi không bao giờ quên được của người Việt”. Nói về Tết năm nay, Nirut tiếc rẻ: “Tôi đã mang quốc tịch VN, là người VN dĩ nhiên Tết quê nhà sẽ rất thú vị với tôi. Trước đây, tôi đã sắp xếp để đưa vợ con mình sang VN ăn Tết, nhưng giờ cuối vợ tôi bận việc, nên không thể đi được. Tết này, tôi được nghỉ đến 6 ngày, nên phải tranh thủ về thăm gia đình. Hẹn đến sang năm, cả nhà tôi sẽ ăn Tết Việt bên bạn bè và người thân của mình tại VN”.
Trần Lê Martin: Tôi đã cười như trẻ thơ khi nhận được “lì xì”
Năm 2000, khi bóng đá VN tiến lên chuyên nghiệp, đón làn sóng ngoại binh khắp thế giới đổ về. Hồi đó, các ngoại binh đến từ Uganda được xem là đông đảo nhất. Số lượng cầu thủ Uganda lúc đó gần 30 người, đủ để thành lập một đội bóng Uganda trên đất Việt. Trong số đó, có Martin, người vẫn gắn bó với bóng đá VN cho đến tận bây giờ. Martin đã ngược xuôi từ Nam tới Bắc theo từng đội bóng mà anh khoác áo như Hải Phòng, ĐTLA, Quảng Nam, Hòa Phát Hà Nội…, vì thế, anh cảm nhận được những nét văn hóa đặc trưng của người VN.
Trần Lê Martin |
Nhưng với Trần Lê Martin (tên của Martin sau khi được nhập tịch năm 2009), những ngày Tết giúp anh cảm nhận được văn hóa quê hương thứ hai của mình đầy đủ nhất. Trần Lê Martin biết rõ rằng ở miền Nam và miền Trung, người ta chuộng mai vàng rực rỡ để chơi Tết, còn ở miền Bắc thì không thể thiếu cành hoa đào thắm đỏ. “Tôi vẫn nhớ như in khi tôi đón Tết Việt đầu tiên ở Hải Phòng, lúc đó tôi nhận được bao “lì xì” xinh xắn của lãnh đạo đội bóng, HLV và các cầu thủ, số tiền hình như không lớn lắm đâu, nhưng tôi rất vui. Các đồng đội của tôi nói rằng, quà lì xì là lộc xuân, sẽ giúp mình may mắn trong năm mới. Tôi cũng nhanh chóng tiếp thu điều này, khi cũng xin đồng đội các bao lì xì để mừng tuổi cho con cái của bạn bè mình, vui lắm”, Trần Lê Martin nhớ lại. Sống xa gia đình, nên những ngày Tết với Martin thật có ý nghĩa, bởi anh được các đồng đội thân đưa đến nhà ăn Tết, uống rượu và nhận những lời chúc tụng. 10 năm sống ở VN, Martin có rất nhiều bạn bè, vì thế anh đang lo ngại sẽ không có đủ thời gian để đi thăm hết gia đình của mọi người: “Năm nay chắc tôi phải vắt chân lên cổ để chạy đua trong 3 ngày Tết vì bạn bè đông quá. Dù vậy, tôi cũng sẽ cố gắng đến thăm đầy đủ gia đình những người bạn thân của mình” - Trần Lê Martin nói.
Lê Huỳnh Kesley: Đón Tết lớn cùng vợ con
Năm nay, gia đình Kesley sẽ ăn Tết lớn, bởi họ có cậu con trai kháu khỉnh gần tròn một tuổi. Dịp cuối năm, gia đình Kesley cũng rất vui khi cùng nhau đón mừng danh hiệu “Chiếc giày vàng VN” mà Kesley đoạt được. Năm hết Tết đến, để chia sẻ với những trẻ em có hoàn cảnh không may, Kesley cùng vợ đã dành số tiền thưởng 20 triệu đồng mà mình vừa nhận được, để tặng quà Tết cho các trẻ em ở Trung tâm Trẻ em HIV Tam Bình. Chàng rể Việt Nam nói về nghĩa cử của mình: “Tết đến, tôi biết mọi trẻ em VN đều háo hức được nhận quà, nên tôi muốn các em nhỏ gặp bất hạnh có thêm chúc quà nhỏ để ăn Tết vui vẻ”.
Lê Huỳnh Kesley và gia đình trong ngày nhận giải thưởng Chiếc giày vàng 2009 - Ảnh: Khả Hòa |
Nhớ cái Tết đầu tiên khi sắp trở thành rể VN (năm 2005), Kesley đã mặc áo dài khăn đóng để chúc Tết gia đình vợ sắp cưới, vì anh nghe nói đàn ông VN thường mặc trang phục này vào dịp Tết. Năm nay, Kesley sẽ dành nhiều thời gian trong dịp Tết để vui cùng gia đình nhỏ của mình. Vợ chồng anh dự định sẽ dành thời gian đi thăm gia đình bên ngoại và bạn bè thân. “Tôi rất thích Tết VN, bởi mọi người gặp nhau đều vui vẻ, thân thiện và chúc tụng nhau những lời tốt đẹp. Tuy nhiên, năm nay tôi sẽ dành nhiều thời gian cho vợ con của mình, bởi sau Tết tôi phải xa nhà thường xuyên để đi thi đấu. Tôi sẽ ưu tiên cho vợ sắp lịch trong ba ngày Tết, vợ tôi muốn đưa cả nhà đi đâu, tôi cũng sẽ chiều theo” - Huỳnh Kesley nói.