Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tết của du học sinh Việt: Nhớ nhà nhưng không cô đơn

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Với du học sinh Việt Nam ăn Tết xa nhà, càng sát thời khắc giao thừa, nỗi nhớ gia đình, người thân và hương vị Tết thân thuộc càng trở nên da diết. Tết thì không đâu bằng nhà mình nhưng ở phương xa, những người con ấy cũng có hình thức đón Tết rất đặc biệt.

Nguyễn Ngọc Linh, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam- ĐH Bowling Green State (Mỹ) cho biết, tại ngôi trường mình theo học hiện có gần 30 sinh viên đến từ Việt Nam. Để các bạn có một cái Tết ấm cúng, Ngọc Linh cùng các thành viên đã lên kế hoạch, thống nhất tổ chức ăn Tết cùng nhau. Ngoài ra, các tổ chức sinh viên Đông Á của trường cũng tổ chức Tết. Như vậy, du học sinh Việt tại đây có 2 lần ăn Tết.

Nguyễn Ngọc Linh (áo tím) cùng các du học sinh Việt Nam tại ĐH Bowling Green State (Mỹ) trong một sự kiện văn hóa
Nguyễn Ngọc Linh (áo tím) cùng các du học sinh Việt Nam tại ĐH Bowling Green State (Mỹ) trong một sự kiện văn hóa

Với buổi ăn Tết của riêng sinh viên Việt, mọi người sẽ mua đồ về và mỗi người cũng đóng góp những hương vị riêng của các vùng miền Việt Nam để cùng nấu nướng, giao lưu, cập nhật tình hình của nhau. “Hương vị Tết của sinh viên Việt tại đây có đủ mứt các loại, kẹo lạc, kẹo vừng, mè xửng, thịt kho trứng theo vị Tết phương Nam; món cuốn, nem, bún miến và có cả nước nhân trần”- Nguyễn Ngọc Linh kể.

Tại buổi ăn Tết chung cùng các tổ chức của sinh viên Đông Á khác (gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Hội sinh viên Châu Á), sinh viên Việt Nam sẽ mặc trang phục truyền thống (áo tấc/áo dài/áo ngũ thân tay chẽn/Nhật Bình cách tân), trang trí những nét đặc trưng của Việt Nam và góp các đồ ăn uống mang nét độc đáo, không thể trộn lẫn của Tết Việt. Theo Ngọc Linh, do tình hình dịch Covid- 19 còn căng thẳng nên Tết năm nay chỉ giới hạn như vậy nhưng các sinh viên đều rất vui vì được giao lưu, học hỏi; từ đó vơi đi nỗi nhớ nhà.

Nguyễn Nhật Ánh, sinh viên năm thứ ba ĐH Bretagne Sud (Pháp) kể, Tết năm nay là Tết thứ 3 em ăn Tết xa nhà nhưng nỗi nhớ thì vẫn vậy, càng cuối năm càng nhớ bố mẹ, người thân nhiều hơn. Nếu như năm 2020, Nhật Ánh có 6 lần tham dự các sự kiện Tết của người Việt thì năm nay, các sự kiện tổ chức với quy mô nhỏ hơn do dịch bệnh và em cũng tham gia ít hơn; một phần vì Tết em không được nghỉ học.

Nguyễn Nhật Ánh- ĐH Bretagne Sud, Pháp (ngoài cùng bên phải) cùng bạn bè Việt Nam trong tà áo dài truyền thống
Nguyễn Nhật Ánh- ĐH Bretagne Sud, Pháp (ngoài cùng bên phải) cùng bạn bè Việt Nam trong tà áo dài truyền thống

Theo Nhật Ánh, ở khu vực em sinh sống và học tập, Hội sinh viên Việt Nam và cộng đồng người Việt đều tổ chức Tết gồm ăn uống, văn nghệ rất đầm ấm. Đến đây, được hòa vào không khí Tết của người Việt ở một nơi xa, em có cảm giác rất lạ. Các món ăn trước đây thân thuộc như cơm, nem, giò lụa, nộm đu đủ, bánh chưng… thì nay trở nên vô cùng quý.

Còn với Đinh Chí Đức, sinh viên năm nhất ĐH ChoDang (Hàn Quốc) thì Tết này là năm đầu tiên ăn Tết xa nhà. Em nhớ hương vị Tết Việt cả tháng nay, nhất là mỗi khi gọi điện về cho mẹ. Để khuây khỏa và vơi đi nỗi nhớ, em tự thưởng cho mình thời gian đi chơi, khám phá vẻ đẹp của đất nước Hàn Quốc. Nhóm sinh viên Việt Nam tại đây chắc chắn sẽ có một bữa cơm ngồi bên nhau để cùng ôn lại và thưởng thức hương vị Tết Việt.

Đinh Chí Đức, ĐH ChoDang (Hàn Quốc) dành thời gian nghỉ ngơi cho bản thân dịp Tết
Đinh Chí Đức, ĐH ChoDang (Hàn Quốc) dành thời gian nghỉ ngơi cho bản thân dịp Tết

Mỗi dịp Tết đến, nỗi nhớ của du học sinh Việt Nam được vơi đi nhiều bởi có bạn bè ở cạnh. Với các em, Tết dù có nhớ nhà, nhớ người thân nhưng không cô đơn bởi xung quanh là rất nhiều bạn bè và cộng đồng người Việt. Dù bận rộn đến mấy nhưng mọi người luôn cố gắng ngồi bên nhau để hướng về đất nước, về gia đình. Và rồi, khi trở về căn phòng riêng, các em lại gọi điện Video về cho cha mẹ, người thân. Được nhìn thấy gia đình khỏe mạnh cùng những lời hỏi thăm, chúc mừng năm mới mạnh khỏe và bình an thì với các em, đó chính là giá trị của ngày Tết.