Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tết của nghệ sĩ sân khấu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tròn 5 năm kể từ khi ngày 12/8 Âm lịch hàng năm được chọn là Ngày Sân khấu Việt Nam. Người nghệ sĩ làm nghề coi đó là cái Tết của riêng mình, để tề tựu, vui - buồn theo những cách rất… nghệ sĩ.

Ngày không diễn

Sáng 5/9, tại rạp Đại Nam, một nén nhang, một trò diễn, những tấm lòng nghệ sĩ đã được Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam kính cẩn dâng trước bàn thờ Tổ nghề. Lễ giỗ Tổ nghề sân khấu rất khác với lễ giỗ Tổ các nghề khác. Trên bàn thờ đầy đủ lễ vật, đặc biệt là nhiều đồ nghề của nghề xướng ca như thỏi son, hộp phấn, gương lược... Tề tựu tại lễ giỗ Tổ năm nay, người ta thấy đủ các gương mặt nghệ sĩ từ già đến trẻ của đủ loại hình sân khấu truyền thống như kịch, tuồng, chèo, cải lương...
Một cảnh trong vở kịch ''Lời thề thứ 9''.
Một cảnh trong vở kịch ''Lời thề thứ 9''.
Nhiều thế hệ như NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Lê Hùng, NSND Lê Mai, NSƯT Đặng Tú Mai, NSƯT Lâm Bằng... không hẹn mà gặp nhau trong ngày giỗ Tổ, tay trong tay, kể cho nhau nghe chuyện đời, chuyện nghề, chuyện xưa, chuyện nay. Với những thế hệ nghệ sĩ thời trước, đây như là dịp để ôn lại những năm tháng mà sân khấu luôn sáng đèn. NSND Phạm Thị Thành tâm sự: "Ông bà đã quan niệm gia đình phải có giỗ thì nghề nghiệp cũng có giỗ. Đây là ngày vui nhất của giới nghệ sĩ lớn tuổi như chúng tôi. Bây giờ còn được gặp lại bạn bè xưa quả là điều đáng quý". Lớp nghệ sĩ trẻ hơn thì coi giỗ Tổ là ngày Tết của nghệ sĩ: "Tất cả mọi người gặp gỡ nhau, trước là cúng Tổ, sau là kể cho nhau nghe và báo cáo cho Tổ nghiệp nghe về những gì ta đã làm được trong năm qua cho sân khấu, vai diễn. Đó là ngày Tết của nghệ sĩ, là ngày duy nhất để nghệ sĩ có thể nghỉ xả hơi, cùng về với nhau, vui buồn với nhau" - Tự Long chia sẻ. 

Từ năm 2010, ngày 12/8 Âm lịch đã được Nhà nước chọn làm Ngày Sân khấu Việt Nam. Đã 5 năm trôi qua, dù sân khấu đã không còn ở thời hoàng kim, nhưng nghệ sĩ vẫn gặp nhau để đón cái Tết của riêng mình và cũng là cách để lớp già truyền lửa cho lớp trẻ hôm nay.
Một cảnh trong vở kịch ''Lâu đài cát''
Một cảnh trong vở kịch ''Lâu đài cát''
Phảng phất những nỗi buồn

Trước những cơn lốc của các loại hình giải trí du nhập vào Việt Nam, rõ ràng, đời sống của sân khấu ngày nay đã khác. Sân khấu và nghệ sĩ của các loại hình nghệ thuật truyền thống không còn là "ông hoàng, bà chúa" trong lòng công chúng như thuở nào. Ngày Sân khấu Việt Nam, các nghệ sĩ vẫn điểm cho bằng được các vở diễn mới, hàng chục liên hoan sân khấu mà mình và đơn vị tham gia. Thế nhưng, ai cũng hiểu, gần như chỉ có nghệ sĩ là thuộc lòng những vở diễn mới ra mắt ("Lâu đài cát", "Trong mưa dông thấy nắng", "Mùa ngô chín", "Tình yêu hay quyền lực", "Đêm của bóng tối"…), còn công chúng thì khác. Người ta không còn xếp hàng dài hơn 2 cây số trước cổng rạp để mua bằng được vé xem vở "Nàng Sita", "Mùa hạ cuối cùng", "Bệnh sĩ"… như những năm 80 của thế kỷ trước. Vở diễn mới ra đời, sân khấu đón khán giả chủ yếu theo hình thức vé mời. Đến như Nhà hát Tuổi trẻ, từng lấy tiếng cười của "Đời cười" để thu hút người xem, thì 1 - 2 năm trở lại đây dù là cái cười có thâm sâu đến mấy cũng không đủ sức đỏ đèn hàng chục buổi diễn kín ghế khán giả.
Một cảnh trong vở kịch ''Nàng Sita''.
Một cảnh trong vở kịch ''Nàng Sita''.
Có lẽ phải chờ đến festival kịch Lưu Quang Vũ hồi cuối tháng 8 và đầu tháng 9/2014, tổ chức dưới hình thức giá vé ưu đãi, nghệ sĩ sân khấu mới được sống lại cảm giác vàng son thuở nào. Trước buổi diễn mở màn tối 28/8, Hà Nội mưa như trút nước, nhưng khán phòng Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội vẫn kín khán giả. Công chúng đến đây không chỉ để tưởng nhớ 26 năm ngày kịch gia nổi tiếng ra đi mà còn để thưởng thức những vở diễn đã một thời "làm mưa, làm gió" trên sân khấu kịch nước nhà. Từ sự mở màn của vở "Bệnh sĩ", các vở "Lời thề thứ 9", "Hồn Trương Ba, da hàng thịt", "Nàng Sita", "Mùa hạ cuối cùng"… cũng đón nhận không khí tương tự. "Đã bao lần khóc cười cùng vai diễn nàng Sita, nhưng lần này tôi thật sự khóc cười cho sân khấu vì lại được khán giả yêu đến thế" - NSƯT Thu Huyền - diễn viên chính trong vở "Nàng Sita" tâm sự.

Mấy năm vừa qua, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã bắt nhịp cùng thời thế, gắn bó hơn với truyền thông, tổ chức nhiều lớp sinh hoạt chuyên đề mang tính thời sự, ra sức quảng bá các vở diễn mới, vở diễn hay; thế nhưng cũng phải thừa nhận, nỗ lực ấy chỉ đỡ được một phần cho sự hẩm hiu của sân khấu. Và vào dịp giỗ Tổ nghề, nghệ sĩ nhắc nhiều kỷ niệm của ngành cách đây 20 - 30 năm trước hơn là bây giờ. Đúng như lời trải lòng của NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam: "Đứng trước những biến động trong cơ chế thị trường, nghệ sĩ chỉ biết đồng lòng đưa nền sân khấu vượt khó".