Tết không còn thiếu hàng, sốt giá

Chia sẻ Zalo

Theo thống kê của Bộ Tài chính. trong giai đoạn 2011-2015, các giải pháp điều hành giá, bình ổn thị trường đã giúp Tết Nguyên đán không còn tình trạng thiếu hàng, sốt giá và CPI tăng thấp.

Theo Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính, trong suốt 5 năm qua, vào dịp Tết Nguyên đán, Bộ Tài chính đều ban hành Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Tài chính về công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng trước, trong và sau Tết; ban hành công văn chỉ đạo các Sở Tài chính, Cục Thuế, Hải Quan và các đơn vị thuộc Bộ tăng cường các mặt công tác, đồng thời tăng cường theo dõi, tổ chức các đoàn khảo sát nắm tình hình thị trường thực tế, đề xuất các giải pháp bình ổn giá.
Tết không còn thiếu hàng, sốt giá - Ảnh 1
Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương chỉ đạo Sở Tài chính, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình dự trữ hàng hoá bình ổn thị trường giá cả tại địa phương, tập trung cân đối hàng hóa vào những tháng Tết Âm lịch.

Nhờ vậy, chương trình bình ổn thị trường được mở rộng qua từng năm, phát huy tác dụng tốt trong việc cân đối cung cầu, liên kết sản xuất giữa các địa phương. Trong đó, năm 2011 có 36 tỉnh, thành phố triển khai thực hiện; năm 2012 và Tết Quý Tỵ có 45 tỉnh, thành phố; năm 2013 và Tết Giáp Ngọ 2014 có 44 tỉnh, thành phố; năm 2014 và Tết Ất Mùi có 38 tỉnh, thành phố.

Đặc biệt, TP.HCM và một số tỉnh lân cận đã huy động hệ thống ngân hàng thương mại vào tham gia chương trình bình ổn giá, giảm dần tỷ trọng vốn ngân sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tự nguyện tham gia không cần hỗ trợ vốn vay từ ngân sách Nhà nước.

 Cũng trong 5 năm qua, khi thị trường có những yếu tố biến động, hoặc thay đổi chính sách thuế, điều chỉnh giá mặt hàng điện, xăng dầu... Bộ Tài chính cũng đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo địa phương tăng cường quản lý giá, bình ổn giá; thực hiện quy định về đăng ký giá, kê khai giá; kiểm soát các yếu tố hình thành giá, kiên quyết dừng các trường hợp tăng giá bất hợp lý so với tác động của yếu tố đầu vào; đồng thời, thường xuyên kiểm soát chặt các kênh chi tiêu từ ngân sách nhà nước; thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về giá, thuế, phí…

Những giải pháp tổng thể trên là nguyên nhân quan trọng giúp tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân mỗi tháng của cả nước trong 5 năm tăng thấp. Năm 2011 tăng 1,4%; năm 2012 tăng 0,55%; năm 2013 tăng 0,49%; năm 2014 tăng 0,15%; năm 2015 tăng 0,05%.

Tết Nguyên đán không còn tình trạng thiếu hàng, sốt giá và CPI cũng tăng thấp. Nếu so sánh với CPI của tháng 12 năm trước, CPI tháng 2-2011 tăng 2,09%; tháng 2-2012 tăng 2,38%; tháng 1-2013 tăng 1,25%; tháng 1-2014 tăng 0,69%; tháng 2-2015 giảm 0,05%.

Trong dịp Tết Bính Thân, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng đã tổ chức 3 đoàn công tác kiểm tra, nắm tình hình triển khai thực hiện công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá tại 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Theo đó, từ nay đến 25-1-2016, 3 đoàn công tác của Bộ Tài chính sẽ thực hiện kiểm tra nắm tình hình triển khai thực hiện công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá tại các địa phương năm 2015, Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 tại nhiều tỉnh, thành phố của 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Đoàn miền Bắc thực hiện kiểm tra tại các địa phương gồm Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định, Thái Nguyên, Phú Thọ. Đoàn miền Trung kiểm tra tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Đoàn miền Nam kiểm tra tại các tỉnh Bình Dương, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Trà Vinh.

Các đoàn kiểm tra tập trung đánh giá về diễn biến giá cả thị trường trên địa bàn; các kết quả triển khai cụ thể công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá tại địa phương. Trong đó, tập trung vào công tác hướng dẫn, tiếp nhận, kiểm tra việc kê khai giá; kết quả công tác thanh tra, kiểm tra giá, báo cáo giá theo định kỳ và đột xuất theo yêu cầu của Bộ Tài chính về giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, cước vận tải bằng ô tô, xăng dầu…

Các đoàn kiểm tra đánh giá về công tác kiểm soát giá các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục và thẩm quyền định giá của địa phương như dịch vụ giáo dục, y tế, cước xe buýt, giá nước sạch, vé tham quan, dịch vụ vệ sinh…; công tác kiểm soát giá hàng hóa, dịch vụ nhà nước đặt hàng giao kế hoạch sản xuất; hàng được trợ cước, trợ giá chi từ nguồn ngân sách tại địa phương.

Theo dự báo mới đây của Cục Quản lý giá, giá cả thị trường trong tháng 1-2016 tương đối ổn định, chỉ có 1 mặt hàng là thực phẩm tươi sống dự báo tăng giá.

Theo nhận định của Bộ Tài chính, mặc dù giá cả một số mặt hàng nguyên nhiên liệu trong nước chịu tác động của biến động giá thế giới, nhưng vẫn cần cẩn trọng vì giá thế giới biến động khó lường.

Thời gian tới, theo lộ trình sẽ thực hiện tăng giá đối với các dịch vụ y tế công lập và dịch vụ giáo dục công lập, do đó công tác quản lý, điều hành giá cả, thị trường, kiểm soát lạm phát phải được thực hiện quyết liệt ngay từ những tháng đầu năm, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần