Tết này, giá cả có là nỗi lo?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ còn gần một tháng nữa là đến Tết Giáp Ngọ, Tết cổ truyền của dân tộc. Vào dịp Tết, do nhu cầu tiêu dùng tăng cao, nên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thường tăng cao hơn các tháng khác trong năm. Vậy năm nay sẽ ra sao?

Nhiều yếu tố tác động lên CPI

Từ mấy chục năm qua, giá tiêu dùng (CPI) bình quân tháng 1, tháng 2 - là tháng trước và sau Tết Nguyên đán - đều tăng khá cao, các năm có số bình quân tăng dưới 1% chỉ có năm (2001, 2009). Tháng 1 và tháng 2 năm nay có các yếu tố làm tăng, đồng thời cũng có những yếu tố cản trở việc tăng CPI. Các yếu tố làm tăng, ngoài nhu cầu tiêu dùng cao và CPI tăng cao theo số liệu thống kê lịch sử đã chứng minh ở trên, năm nay còn có các yếu tố sau đây: Trước hết là giá lương thực năm 2012 đã giảm sâu (giảm 5,66%), năm 2013 có 5 tháng giảm và tính chung cả năm chỉ tăng 1,98%, thấp chỉ bằng 1/3 tốc độ tăng CPI (nếu tính bình quân năm, tức là xét về mặt bằng giá, vẫn còn giảm 2,14%). Tuy nhiên, giá lương thực từ 5 tháng nay đã tăng liên tục và từ vài tháng nay tăng cao. Giá lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long đang tăng lên khá nhanh và đứng ở mức cao nhất từ đầu năm đến nay. Giá lúa gạo tăng cao chủ yếu do sản lượng lúa mùa ở miền Bắc và miền Trung bị giảm bởi thiên tai dịch bệnh; lúa thu đông ở miền Nam còn không nhiều; giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức cao so với những nước xuất khẩu lớn ở châu Á...
Người tiêu dùng lựa chọn hàng hóa tại Siêu thị Hapro.   Ảnh: Trần Việt
Người tiêu dùng lựa chọn hàng hóa tại Siêu thị Hapro. Ảnh: Trần Việt
Giá xăng dầu tăng từ ngày 18/12 sẽ một mặt trực tiếp làm cho giá nhóm hàng này tăng, mặt khác làm cho giá dịch vụ vận tải tăng, cộng hưởng với nhu cầu đi lại tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán, lễ hội, du lịch... sẽ tăng cao. Hơn nữa, Tết Nguyên đán năm nay đến sớm hơn năm trước khoảng mười ngày, dễ tiếp nối với việc bội chi ngân sách, tăng trưởng tín dụng cao hơn vào cuối năm...

Thành công nổi bật của việc kiềm chế lạm phát trong năm 2013: Đây là năm thứ hai liên tiếp CPI tăng thấp, là năm đầu tiên không lặp lại chu kỳ "2 năm cao 1 năm thấp". Thành công này cũng đặt ra vấn đề khó xuất hiện một năm thứ ba liên tiếp tăng thấp, trong khi mục tiêu năm 2014 CPI tăng 7%, cao hơn mức 6,04% của năm 2013.

Xu hướng chi tiêu sẽ là tiết kiệm hơn

Bên cạnh các yếu tố làm tăng CPI vào dịp Tết, cũng có những yếu tố làm giảm hoặc cản trở các yếu tố làm tăng CPI. Nhìn tổng quát, tổng cầu vẫn còn yếu, chưa có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ. Tỷ lệ vốn đầu tư/GDP  năm 2013 theo công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê đạt 30,4% (cao hơn số ước tính cũ), trong khi tỷ lệ đó theo kế hoạch 2014 chỉ ở mức 30% - còn thấp hơn năm 2013. Hơn nữa, việc triển khai kế hoạch vốn đầu tư từ nguồn ngân sách theo thông lệ thường chậm. Thu nhập, sức mua có khả năng thanh toán của người dân tăng thấp. Đối với một bộ phận dân cư thậm chí còn bị sụt giảm, nhất là những người có liên quan đến trên 61.000 doanh nghiệp bị giải thể, bị tạm ngừng hoạt động trong năm 2013 (lớn hơn các năm trước). Những doanh nghiệp còn lại, những doanh nghiệp mới thành lập, lương thưởng cuối năm cũng không cao.

Một vấn đề rất quan trọng làm cho tổng cầu khó tăng, đó là yếu tố tâm lý. Tâm lý "thắt lưng buộc bụng", "tích cốc phòng cơ" khá phổ biến của người tiêu dùng cũng sẽ làm cho nhu cầu tiêu dùng tiếp tục bị co lại. Biểu hiện rõ nhất là dù lãi suất tiết kiệm ở mức thấp, nhưng tiền gửi tiết kiệm vẫn tăng. Một yếu tố quan trọng là sự chuẩn bị hàng Tết của các nhà sản xuất kinh doanh để đón nhu cầu tăng cao trong dịp Tết. Ngoài ra, trong điều kiện eo hẹp về đồng tiền và nhu cầu ăn uống đã được rải đều trong năm, không chỉ nhu cầu "chơi Tết" giảm mà cả nhu cầu "ăn Tết" có thể cũng không cao.

Từ các yếu tố trên, cũng cần quan tâm đến 3 vấn đề quan trọng. Đầu tiên đó là cần đẩy mạnh tuyên truyền cuộc vận động tiết kiệm chi tiêu trong dịp lễ, Tết, trong điều kiện nhiều chủ thể trên thị trường thu chưa đủ chi, còn nợ nần, thiếu vốn hoạt động. Tiếp đến là cần có sự chuẩn bị hàng hoá thiết yếu để bảo đảm cân đối cung - cầu. Bên cạnh đó là việc  tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra giá cả để tránh sự đầu cơ, gây ra các cơn sốt giá.