Tết này giá cả ra sao?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tết Nguyên đán đang đến gần. Dự đoán đúng được giá cả trước, trong và sau Tết là rất có ý nghĩa đối với các chủ thể trên thị trường, từ người tiêu dùng, đến người sản xuất, đến các nhà hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô.

Dự đoán giá tăng cao
 

Dự đoán giá cả Tết năm nay được dựa trên ba căn cứ. Căn cứ thứ nhất là tham khảo diễn biến giá trong cùng kỳ các năm qua. Tốc độ tăng giá tiêu dùng từ năm 2004 đến nay cho thấy, tháng 1 tăng bình quân trên 1,28%, tháng 2 tăng bình quân gần 2,32%; tính chung 2 tháng đầu năm tăng trên 3,63%. Trong 8 năm qua, tốc độ tăng giá tiêu dùng có một điểm đáng lưu ý lặp đi lặp lại là cứ sau hai năm tăng cao thì có một năm tăng thấp (năm 2004 tăng 9,5%, năm 2005 tăng 8,4%, thì năm 2006 tăng thấp hơn là 6,6%; năm 2007 tăng 12,6%, năm 2008 tăng 19,89%, thì năm 2009 tăng thấp hơn là 6,52%; năm 2010 tăng 11,75%, năm 2011 tăng 18,12%, thì năm 2012 sẽ tăng thấp hơn). Vì vậy, nếu tính tốc độ tăng bình quân của hai năm tăng thấp (2006, 2009), thì tháng 1 tăng 0,76%, tháng 2 tăng 1,64%; tính chung hai tháng tăng trên 2,41%. Như vậy, số liệu thống kê cho thấy, dù tính bình quân chung 8 năm hay bình quân hai năm tăng thấp hơn, thì con số tham khảo cũng cho thấy đó là tốc độ tăng cao (trung bình khoảng 3%, hay tăng bình quân 1,5%/tháng). Nhưng nếu tăng cao sau năm 2011 có lạm phát cao và tăng cao ngay từ những tháng đầu của năm 2012 với mục tiêu của Quốc hội là đưa mạnh xuống dưới 10% là điều không nên vội vì sẽ gây áp lực đối với tâm lý của người tiêu dùng.

Căn cứ thứ hai là một số yếu tố có thể tác động gây áp lực làm tăng giá tiêu dùng. Theo Báo cáo tại kỳ họp thường kỳ của Chính phủ, tính đến 18/11, tổng phương tiện thanh toán (M2) ước tăng 7,75% so với tháng 12/2010 (tức là tăng gần 0,71%/tháng), nay ước cả năm tăng khoảng 10%. Khi M2 tăng cao dồn vào tháng cuối năm sẽ tạo áp lực cộng hưởng đối với tốc độ tăng giá tiêu dùng từ tháng 1 trở đi. Về tài khoá, ước cả năm, bội chi ngân sách bằng khoảng 92,7% dự toán năm… Đây là những yếu tố dồn vào và cộng hưởng với các yếu tố khác, có thể tạo áp lực tăng giá trong dịp Tết và những tháng đầu năm 2012. Bên cạnh đó, giá một số hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng sẽ không còn giảm hoặc tăng thấp như mấy tháng qua do nhu cầu đầu tư, tiêu dùng tăng cao dịp cuối năm, giá vé máy bay đã tăng 15 - 20% từ 15/12; giá điện tăng trên 5% từ 20/12; giá sữa tăng cao; giá thực phẩm tăng trở lại,… sẽ tác động trực tiếp đến tốc độ tăng giá từ tháng 1/2012. Giá điện, giá vé máy bay tăng sẽ có tính "lan toả" và tạo sự cộng hưởng đối với giá một số loại hàng hoá, dịch vụ khác vào trước Tết Nguyên đán. Dự báo giá cả Tết này sẽ tăng 1,5%/tháng.

Ứng xử như thế nào?

Trong điều kiện lạm phát, cách thông thường và tốt nhất là người tiêu dùng nên tiết kiệm chi tiêu. Nên chi tiêu trong số thu nhập của mình, tránh "ăn chơi sớm" hoặc vay nợ lãi để chi tiêu; ngay có thu nhập cũng không nên chi hết, cần phải "tích cốc phòng cơ" bởi năm 2012 được dự báo là còn nhiều khó khăn. Người sản xuất, kinh doanh cần tranh thủ lúc nhu cầu và giá cao trong thời gian Tết Nguyên đán để sản xuất, tập kết hàng, vừa thu được lợi lớn hơn, vừa góp phần vào công cuộc kiềm chế lạm phát, nhưng cần có sự chọn lọc kỹ nhu cầu và xử lý linh hoạt để tránh tồn đọng, lỗ; bởi theo dự đoán Tết năm nay sẽ khó sốt giá, người nghèo "ăn Tết" nhiều hơn "chơi Tết", còn người có thu nhập thì "chơi Tết" cũng ít hơn năm trước. Các nhà hoạch định chính sách vĩ mô cần quan tâm đến 3 việc: Cẩn trọng trong việc cung ứng tiền, tăng tổng phương tiện thanh toán, tăng chi ngân sách dù rằng hạn mức, chỉ tiêu năm 2011 còn nhiều hay hạn mức cả năm 2012 mới bước vào thực hiện; Cẩn trọng trong điều chỉnh giá, kiểm soát việc tăng giá, cẩn trọng trong việc tăng tỷ giá…; Hỗ trợ cần thiết trong việc bình ổn giá, nhất là những mặt hàng thiết yếu, dễ tăng cao vào dịp Tết.