Tết này xem gì?

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tết Nguyên đán thường là dịp các công ty, nhà sản xuất phim tung ra thị trường những sản phẩm đặc biệt. Với sự phát triển của công nghệ, điện ảnh ngày càng đổi mới, xu hướng sản xuất các phẩm giải trí đa phương tiện xuất hiện ngày càng nhiều nhằm đáp ứng nhu cầu khán giả.

 Một cảnh trong phim ''30 chưa phải là Tết''.
Điện ảnh chuyển mình
Trong thập niên 90, ti vi là thứ bất kỳ đứa trẻ nào cũng say mê và là lựa chọn duy nhất. Do đó, người lớn hay trẻ nhỏ đều có thói quen tranh giành bấm nút, chọn chương trình, bộ phim mình yêu thích. Anh Nguyễn Văn Huy (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: “Một trong những kỷ niệm đẹp của thế hệ cuối 8X và đầu 9X dịp Tết là được ôm chiếc ti vi màn hình màu, lồi, chưa đầy 21 inch cùng chiếc đầu video VHS V8 huyền thoại. Cảm giác cầm 2.000 đồng hay 5.000 đồng ra hàng thuê băng, khuân cả đống băng nặng trĩu về và tua tay từng chiếc một, đẩy vào đầu video VHS rồi nhấn nút play rất đặc biệt”. Tới những năm 2000, người dân có đời sống tốt hơn, Tết đến là dịp mọi người rủ nhau ra rạp xem phim. Đây cũng là giai đoạn đầu tiên, điện ảnh Việt Nam có trào lưu phim Tết. Trong đó “Gái nhảy” của đạo diễn Lê Hoàng (năm 2003) là một trong những bộ phim nổi đình, nổi đám. “Lần đầu tiên, tôi ra rạp xem phim Tết là do tò mò với cái tên của bộ phim "Gái nhảy". Phim "Gái nhảy" ngày đó trở thành một hiện tượng với cái tên quá câu khách, chủ đề cũng hot” – Nhật Hà (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ.
Với sự phát triển của phim chiếu rạp, thời kỳ của băng video VHS cũng trôi qua. Đến Tết, người dân không còn kéo nhau đi thuê băng đĩa về xem nữa mà ra rạp xem những bộ phim như “Nụ hôn thần chết” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng hay “Cô dâu đại chiến” của Victor Vũ hay gần đây là “Cua lại vợ bầu” của đạo diện Nhất Trung.
Thưởng thức Tết qua màn ảnh nhỏ
Thế kỷ XXI, Tết không biết đi đâu, người dân lại kéo nhau vào rạp, không còn phải hỏi Tết này làm gì, chơi gì, xem gì. Dù có nhiều thay đổi, nhưng phim Tết có xu hướng chung đều vui vẻ, ấm cúng, phù hợp với không khí năm mới. Tết Canh Tý 2020, hệ thống rạp chiếu phim cả nước cũng cho ra mắt nhiều sản phẩm đặc sắc như: “30 chưa phải là Tết” với hai diễn viên chính là Trường Giang và Mạc Văn Khoa, dự kiến khởi chiếu 25/1 (mùng 1 Tết); “Bí mật của gió” với sự tham gia của 2 gương mặt “hot” trong giới trẻ là Khả Ngân và Quốc Anh. Ngoài ra, khán giả cũng có thể tìm xem các bộ phim quốc tế như: "Lễ hội hải tặc" (khởi chiếu 3/1), "Cuộc giải cứu hang Tham Luang" (3/1), "Những gã trai hư trọn đời" (17/1), "Đôi mắt âm dương"(25/1). Mặt khác, nếu không ra rạp xem phim Tết, người dân còn có thể xem HBO, Star Movie, Cine Max hay những nền tảng xem phim trực tuyến với kho dữ liệu khổng lồ từ miễn phí đến trả tiền; đủ hấp dẫn để giữ chân người mê phim ngồi trước màn hình.
Trải qua thời gian dài từ những năm 90 của thế kỷ trước đến nay, xu hướng cũng như nhu cầu xem phim đã thay đổi nhiều, gắn với sự phát triển của công nghệ. Nhưng phim ảnh vẫn đóng góp một phần quan trọng với đời sống con người, đặc biệt trong dịp Tết. Sự hối hả hàng ngày nhường chỗ cho sự tĩnh lặng. Với nhiều người, Tết xưa hay Tết nay, việc nằm xem một bộ phim Tết mới hay một bộ phim yêu thích là thú vui không thể thay thế. Đôi khi, người ta có thể lấy những bộ phim băng VHS ra để tua lại những vòng xoay của điện ảnh trong quá khứ, hồi tưởng lại Tết xưa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần