Tết Nguyên đán đến gần, dịch bệnh gia tăng, giá cả hàng hóa vẫn ổn định giá

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trong những ngày gần đây, dịch bệnh Covid-19 lây lan nhanh trong cộng đồng một số tỉnh trong cả nước, cùng với đó nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán tăng mạnh, nhưng giá cả hàng hóa các mặt hàng thiết yếu vẫn ổn định.

Nguồn cung dồi dào
Ghi nhận của phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị tại một số siêu thị lớn trên địa bàn Thủ đô như Big C và GO!, BRG và Hpromart, Vinmart, Co.opmart cho thấy, nguồn cung các mặt hàng hóa rất dồi dào, từ các loại rau xanh, củ, quả, trái cây; thực phẩm tươi sống là cá, thịt lợn, thịt gà, bò; thực phẩm chế biến; đến các sản phẩm hàng khô, gạo, gia vị, bánh kẹo, mứt tết, nước uống đóng chai, đóng hộp…
 Siêu thị Big C Thăng Long dồi dào hàng hóa, và nhiều mặt hàng khuyến mại phục vụ người dân trong dịp Tết và phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty (TCT) Thương mại Hapro Lê Anh Tuấn, cho biết: Là hệ thống siêu thị và cửa hàng của Tập đoàn BRG, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Hapro đã ký kết với các nhà phân phối mang đến cho khách hàng trong dịp Tết đa dạng các loại hàng hóa, trong đó có những hàng hóa do chính Hapro sản xuất như gạo Hapro Đồng Tháp, hạt điều rang Hapro, rượu vang Thăng Long, xúc xích, chân giò, thịt ba chỉ, thịt gà hun khói và các sản phẩm giò lụa, giò bò, giò gà...;  Ngoài ra, TCT kết nối khai thác các đặc sản vùng miền tại các tỉnh như: Bưởi Diễn, miến dong, bún khô, mỳ gạo, mộc nhĩ, nấm hương của Sơn La; một sản phẩm của Yên Bái, Hà Giang, các loại quả, hạt khô phục vụ, quần áo; các mặt hàng khác như đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm... phục vụ tiêu dùng của người dân Thủ đô Hà Nội. Trong đó, TCT đăng ký với TP Hà Nội 12 nhóm mặt hàng theo chương trình Bình ổn thị trường như: Gạo tẻ, thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm, thủy hải sản tươi – đông lạnh, dầu ăn, gia vị, rau củ, sữa, bánh mứt kẹo, đường, rượu, bia, nước giải khát. Trong dịp Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021, Tổng công ty còn dự trữ thêm các nhóm mặt hàng như: mặt hàng khô (măng, miến, mộc nhĩ... TCT dự trữ lượng hàng hóa trong dịp Tết ước đạt gần 1.000 tỷ đồng, trong đó lượng hàng hóa tham gia chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP Hà Nội trong dịp Tết khoảng 200 tỷ đồng.
 Các hàng hóa phục vụ Tết tại Hapro cũng dồi dào.

Chị Trần Thị Vân, Công nhân của Công ty Yamaha đi mua sắm hàng hóa trong dịp Tết. Chị cho biết, năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã làm cho thu nhập của người lao động phần nào bị giảm sút, nhưng khi được mua hàng giảm giá tại Hapro phần nào tiêt kiệm chi tiêu cho người lao động, sản phẩm của Công ty có tên tuổi nên yên tâm về chất lượng.
Theo ông Lê Mạnh Phong, Giám đốc Vùng Hà Nội của Tập đoàn Central Group: Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, hệ thống siêu thị Big C và GO! đã tăng 30% lượng hàng hóa dự trữ so với Tết năm trước, nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô. Đặc biệt, Big C và GO! thực hiện chương trình Bình ổn giá với Thành phố Hà Nội đã ký kết với các nhà phân phối ở nhiều vùng miền, đảm bảo đưa được hàng hóa đa dạng, ổn định nguồn cung vào siêu thị. Cùng với đó là hàng nghìn mặt hàng được giảm giá tri ân khách hàng trong dịp Tết, trong đó có các sản phẩm thực phẩm tươi sống, chế biến, mức, bánh kẹo, nước giải khát, đô gia dụng...
Được biết, dịp Tết Nguyên đán năm nay, Hà Nội đã chuẩn bị 39.400 tý đồng hàng hóa phục vụ Nhân dân mua sắm, tăng từ 5% đến 20% theo từng nhóm hàng. Cụ thể, thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán ước khoảng đạt 292.500 tấn gạo, 56.700 tấn thịt lợn, 18.900 tấn thịt gà, 18.459 tấn thịt bò, 396 triệu quả trứng gia cầm, 315 nghìn tấn rau củ, 15.750 tấn thủy hải sản, 18.114 tấn thực phẩm chế biến, 156 nghìn tấn trái cây...  Các mặt hàng nông sản khô tăng từ 25% đến 33% so với những tháng bình thường.
Đa dạng các hình thức phục vụ
Ghi nhận của phóng viên tại một số siêu thị vào những ngày cuối tuần này, tất cả các siêu thị trên địa bàn đều thiết lập hệ thống phòng chống dịch bệnh Covid-19, trong đó duy trì nước rửa tay khử khuẩn, tăng cường đo thâm nhiệt và nhắc nhở khách hàng đeo khẩu trang trước khi vào siêu thị. Những người không có khẩu trang đều từ chối vào mua sắm.
 Các siêu thị đều thiết lập hệ thống phòng chống dịch ngay từ cửa cảo. Tại siêu thị Co.opmart.

Nếu như những đợt dịch bệnh trước, các siêu thị luôn quá tải người đến mua sắm, tích trữ hàng hóa, với đợt dịch bệnh Covid-19 lần này bùng phát và cận kề với Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm tăng mạnh, nhưng trong các siêu thị không xảy ra khan hiếm hàng hóa cục bộ. Đặc biệt người dân không còn đổ xô đi mua sắm hàng hóa trong các siêu thị.
Ngoài nguồn cung dồi dào, các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi phí trong quá trình sản xuất, lưu thông hàng hóa, làm tốt công tác thị trường, chuẩn bị cơ sở vật chất và các điều kiện tổ chức kinh doanh, bảo đảm phòng dịch bệnh… Cụ thể, tăng cường các điểm bán hàng, ngoài siêu thị còn tổ chức chuỗi cửa hàng để người dân tiện mua sắm. Đồng thời đưa hàng đến tận các khu vực có đông người tiêu dùng như: Các khu, cụm công nghiệp, vùng nông thôn. Cùng với đó, các hệ thống siêu thị đều bố trí hệ thống bán hàng trực tuyến qua điện thoại, thương mại điện tử giúp người dân ở nhà cũng gọi điện, hoặc đặt hàng mua bán qua mạng và vận chuyển về tận nhà.
 Thực phẩm tươi sống tại Big C dồi dào nguồn cung, người dân cũng không còn đổ xô đi mua sắm khi có dịch bệnh bùng phát như những lần trước.

Ông Lê Anh Tuấn Phó Tổng Giám đốc Hapro cho biết thêm: Hapro bán hàng không lợi nhuận trong dịp Tết đối với người lao động, đảm bảo rẻ hơn từ 10% trở lên. Tổng Công ty đã tổ chức nhiều chuyến hàng bán cho công nhân tại khu công nghiệp, nhằm giúp người lao động không phải đi lại nhiều và tiếp cận được hàng chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan, cho biết: Hà Nội đã tổ chức bán hàng phục vụ Tết tại 28 trung tâm thương mại, 142 siêu thị, 455 chợ và hàng nghìn cửa hàng tiện ích, chuỗi cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm, các hộ kinh doanh trên địa bàn. Nhằm thúc đẩy thương mại phát triển nhất là thương mại điện tử, hỗ trợ người dân phòng chống dịch bệnh Covid-19, Sở đẩy mạnh hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; thiết lập, phát triển, phân bổ hợp lý các kênh phân phối, mạng lưới các loại hình thương mại - dịch vụ văn minh, hiện đại trên địa bàn Thành phố.