Chiều tối 24/2 (tức Rằm tháng Giêng năm Giáp Thìn), hàng vạn người đã đổ ra các tuyến đường thuộc khu vực quận 5, TP Hồ Chí Minh để xem đoàn diễu hành lễ hội Tết Nguyên tiêu của người Hoa.
Lễ hội Tết Nguyên tiêu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”, và là một trong 19 sự kiện văn hóa, nghệ thuật, lễ hội tiêu biểu tại TP Hồ Chí Minh. Sự kiện này được UBND TP tổ chức và giao cho Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với UBND quận 5, quận 6 và 11 thực hiện, nhưng tập trung diễu hành ở khu vực quận 5.
Lễ hội Nguyên tiêu được tổ chức hàng năm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, giá trị tinh thần, tình đoàn kết gắn bó giữa người Việt và người Hoa với các dân tộc anh em trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Vào dịp Tết Nguyên tiêu, người Hoa thường đi chùa, miếu cầu cho một năm bình an, khỏe mạnh và phát tài phát lộc.
Người Hoa có nhiều quan niệm về Tết Nguyên tiêu. Đối với người Hải Nam gọi là Tết nhỏ, là dịp đoàn tụ gia đình trước lúc ra khơi; còn người Hẹ quan niệm đây là dịp để gia đình tụ họp trước khi đi làm ăn xa; người Quảng Đông, Triều Châu với sở trường kinh doanh nên xem Tết Nguyên tiêu là dịp để vui chơi, giao lưu kinh tế và cầu tài, cầu lộc.
Tết Nguyên đán là cái Tết chủ yếu về gia đình, tổ chức tại nhà, từ đường của dòng họ thì Tết Nguyên tiêu lại là cái Tết của cộng đồng, được tổ chức chủ yếu tại các hội quán.
Tết Nguyên tiêu kéo dài từ mùng 10 tháng Giêng đến hết tháng Giêng âm lịch, các hoạt động cộng đồng tập trung chủ yếu từ ngày 12 đến 18 tháng Giêng, lễ chính vào ngày Rằm.
Vào dịp Tết Nguyên tiêu, tại các hội quán của người Hoa thường diễn ra các hoạt động nghi lễ truyền thống, như: thắp nhang cầu an, thực hành các tập tục như đốt nhang vòng, vay phú tại Hội quán Nghĩa An, chui qua ngựa Xích Thố, thỉnh thánh đăng nhằm cầu tài, cầu lộc, cầu sức khỏe.
Trong tất cả các Hội quán tại TP Hồ Chí Minh thì Hội quán Nghĩa An và Hội quán Hải Nam nơi tổ chức sân khấu biễu diễn nghệ văn hóa tuồng cổ phục lễ hội Nguyên tiêu thu hút rất đông người tham gia.
Còn tại Hội quán Nhị Phủ, lễ hội Nguyên tiêu gắn liền với tín ngưỡng thờ Ông Bổn - Phúc Đức Chính Thần và cũng là ngày sinh nhật ngài Thượng Nguyên tức Ông Trời rất đặc trưng của người Phúc Kiến, lễ cúng được tổ chức ngoài trời. Sau đó là chương trình biểu diễn nghệ thuật dân gian đặc sắc của người Hoa Phúc Kiến như múa Hẩu, múa Rồng, nghệ thuật hòa tấu cổ nhạc Nam Âm và tiết mục đi cà kheo của Bát tiên.
Tâm điểm của Tết Nguyên tiêu là chương trình diễu hành nghệ thuật, với gần 2.000 người thuộc các Hội quán người Hoa, các đoàn Lân - Sư - Rồng, các đoàn thể chính trị - xã hội tại quận 5. Các diễn viên hóa trang thể hiện phong tục tập quán của các nhóm ngôn ngữ người Hoa, kết hợp biểu diễn Lân - Sư - Rồng, phèn la…, diễu hành trên cung đường Châu Văn Liêm - Lão Tử - Lương Nhữ Học - Nguyễn Trãi - Trần Xuân Hòa - Trần Hưng Đạo và kết thúc tại Trung tâm Văn hóa quận 5.
Vào mỗi dịp Tết Nguyên tiêu, khi đoàn diễu hành đi qua các tuyến đường, có hàng vạn người đứng bên 2 ven đường để xem.
Dù lễ hội Nguyên tiêu của người Hoa, nhưng đã nhiêu năm nay chị Nguyễn Thị Hằng cùng con của mình và nhiều người Việt khác vẫn nhiệt tình tham gia cùng với đoàn diễu hành. Chị Hằng cho biết, để tham gia đoàn diễu hành, từ đầu giờ chiều những người tham gia phải hóa trang (mặc trang phục cổ), sau đó đi bộ khoảng 2-3km từ hội quán đến điểm tập trên đường Hải Thượng Lãn Ông, rồi chờ các đoàn của hội quán khác đến đông đủ và khi Ban Tổ chức cho phép, lúc đó đoàn diễu hành mới đi.
Có mặt tại vòng xoay Phan Đình Phùng (trước khu vực Bưu điện quận 5), sau khi xem đoàn diễu hành, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế và Đô thị, anh Jack cho biết: “Gia đình chúng tôi ở Anh quốc, chúng tôi sang Việt Nam du lịch và đã sống ở TP Hồ Chí Minh được nhiều tháng qua. Đây là lần đầu tiên chúng tôi được xem lễ hội với sự tham gia của rất nhiều người, chúng tôi rất thích sự kiện này”.
Tết Nguyên Tiêu đối với người Hoa là ngày lễ hoa đăng, thả đèn lồng cầu nguyện cho năm mới bình an; các món ăn thường thấy là há cảo, bánh táo đỏ, màn thầu, bánh yến mạch, bánh trôi... để cầu may mắn, sức khỏe.
Đối với người Việt vào dịp Tết Nguyên tiêu, Phật tử đi viếng chùa lễ Phật cầu mong gia đạo bình an. Dịp này, người dân thường ăn bánh ú, bánh chưng, xôi gấc, gà luộc... với mong muốn hạnh phúc, ấm no cho gia đình.