Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tết ở quê chồng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Vợ một mình chạy xe ra thị xã mua sắm bánh trái, các loại thực phẩm đến nhang đèn, hàng mã; thay mới ly tách, chén đũa… rồi thì dọn dẹp, trang trí nhà cửa. 29 Tết, mua rau, thịt, hoa quả, cúng tất niên, rước ông bà về đón Tết cùng con cháu.

Đường sá xa xôi, vợ không ngại. Kinh phí cho hành trình về quê cũng không quan trọng. Vợ chỉ ngại nỗi, vừa về đến nhà, vợ đã bị mẹ chồng “khoán trắng” công việc, còn chồng thì… mất hút.

 

Với mẹ chồng, Tết là dịp để con dâu thể hiện “vai trò”. Nhớ Tết đầu tiên làm dâu, vợ còn lạ nước lạ cái nên mẹ phải hướng dẫn, dìu dắt. Tết thứ hai, vợ tập tễnh “ngụp lặn” với vô số công việc thuộc về thiên chức nàng dâu. Đến cái Tết thứ ba, vợ bắt đầu “bao” đủ chuyện, từ tiền nong đến bếp núc, dọn dẹp. 25 tháng Chạp, vợ chồng đã có mặt ở quê. Biết phận, ngay sau buổi nghỉ ngơi vì đường dài, vợ đã lên kế hoạch chuẩn bị đón Tết.

 
Tết ở quê chồng - Ảnh 1

Vợ một mình chạy xe ra thị xã mua sắm bánh trái, các loại thực phẩm đến nhang đèn, hàng mã; thay mới ly tách, chén đũa… rồi thì dọn dẹp, trang trí nhà cửa. 29 Tết, mua rau, thịt, hoa quả, cúng tất niên, rước ông bà về đón Tết cùng con cháu. Lịch của vợ đã kín mít, đến nỗi không có thời gian chăm con nhỏ. Tự nhủ, lo sắm sửa, dọn dẹp mọi thứ, để những ngày Tết và sau Tết sẽ thong thả hơn, nên dù mệt, vợ vẫn rất cố gắng. Thế nhưng, ba ngày Tết vợ lại lao vào bếp, ngày hai buổi lo nấu cơm cúng ông bà. Có khi vừa nấu cơm, vừa tiếp khách. Những ngày ấy, vợ quay như chong chóng. May mà vợ có sức khỏe, gặp mấy cô dâu “mỏng manh” chắc khó lòng kham nổi.

Trong lúc con dâu bận bịu, mẹ chồng dắt cháu nội sang hàng xóm khoe, nào là cháu nội xinh xắn, con dâu đảm đang. Còn chồng thì bị đám bạn “địu” đi suốt ngày, về đến nhà đã say khướt. Tủi thân quá, vợ ghim cục tức vào lòng: sang năm nhất định sẽ không về quê nữa!

Giận thì nói vậy, nhưng phận làm dâu, sao có thể vắng mặt ngày Tết. Lại nghĩ, mỗi năm về quê một lần, không thể vì chuyện bếp núc mà có một cái Tết kém vui, nên đón cái Tết thứ tư ở quê chồng, vợ đã tự lên kế hoạch cải thiện… số phận mình! Vợ không đi chợ một mình mà rủ chồng cùng đi. Vì điều này mà mẹ chồng kém vui, bà thỏ thẻ riêng với con trai “đàn ông ai lại vào chợ”, rồi “chiều vợ như thế chỉ làm vợ hư”. Phải công nhận chồng là người biết chia sẻ với vợ mọi việc, nhưng về đến quê thì lại tỏ ra vô tư, hờ hững. Vợ biết chồng làm thế chỉ để vừa lòng mẹ. Vợ biết mẹ thở dài khi thấy vợ chồng mình cùng nhau đi mua sắm, rồi dọn dẹp, bày biện.

 

Nhưng có lẽ “sốc” hơn cả là việc chồng vào bếp cùng vợ. Thấy con trai bị phân công việc bếp núc, mẹ chồng tỏ vẻ khó chịu, bảo con trai lên nhà trên, rồi cùng vào bếp với con dâu. Dù vậy, chồng vẫn “kiên cường”: cùng làm với nhau, vừa vui mà lại sớm xong việc, vì ai cũng có nhu cầu nghỉ ngơi. Vừa nói, chồng vừa nhặt rau, xay tiêu, lăng xăng không nghỉ tay. Còn mẹ chồng vì thương con trai nên phải giúp con dâu. Có mẹ, công việc càng nhanh gọn. Và cứ như thế, làm gì, mỗi người cũng phụ một tay, mẹ chồng không còn để con dâu “bao sân” nữa.

 

Về chuyện bếp núc, chợ búa hay dọn dẹp, chẳng thể xem đó là chuyện của riêng ai. Khi mọi người cùng nhau phụ việc thì sẽ tạo một kết thúc “có hậu”. Riêng chồng đã “cứu” vợ những bàn thua. Bây giờ vợ không những không sợ về Tết, mà còn rất háo hức. Vợ muốn sự đoàn tụ của cả gia đình trong ngày Tết cổ truyền năm nay sẽ thật trọn vẹn.