Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Tết tháng 7 và lễ Pây Tái của người Tày, Nùng

Kinhtedothi - Rằm tháng 7, theo quan niệm của người Kinh là ngày lễ Vu lan báo hiếu. Nhưng theo quan niệm của một số dân tộc khác như người Tày, Nùng thì dịp Rằm tháng 7 lại được xem là Tết tháng 7, kèm theo đó là lễ Pây Tái.
Khi di cư vào ở các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước..., để lập nghiệp, người Tày, Nùng vẫn luôn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Bình Phước là tỉnh có hơn 40 dân tộc anh em đang sinh sống. Vào ngày Rằm tháng 7, người Kinh, Hoa đến các ngôi chùa để dự lễ Vu lan hoặc lễ Xá tội vong nhân. Nhưng với người Tày, Nùng vẫn không quên ngày Rằm tháng 7 là dịp để con cháu, đặc biệt là con gái, con rể và cháu ngoại về ăn Tết tháng 7 (Kin Nèn Bươn Chất), từ đó có lễ Pây Tái (về ngoại).
 Vợ chồng người Tày đi Pây Tái trong ngày Rằm tháng 7.
Ngày xưa, Tết tháng 7 được tổ chức trong 3 ngày từ 13 đến hết ngày 15 âm lịch. Theo thời gian, do bộn bề cuộc sống, giao thông phát triển…, nên hiện nay chỉ tổ chức vào ngày 14 và 15 tháng 7 âm lịch. Vào những ngày này, từ sáng sớm, người con gái cùng con rể và các cháu ngoại đã Pây Tái với đồ lễ, gồm: Cặp vịt béo, bánh gai, chai rượu.
Sau khi con gái, con rể cùng các cháu về đến nhà ngoại, mọi người xúm vào làm thịt vịt và chế biến nhiều món ăn truyền thống. Trong các bữa ăn của người Tày, Nùng vào 2 ngày 14 và 15 âm lịch tháng 7, hầu như trên mâm chỉ có thịt vịt cùng với bún gạo. Do đó người Tày, Nùng thường có câu cửa miệng: “Bươn Chiêng kin nựa cáy; Bươn Chất kin nựa pết” (Tết tháng Giêng ăn thịt gà; Tết tháng 7 ăn thịt vịt).
Trước kia, ở quê ngay từ sớm, những tiếng kèn kẹt từ cối xay bột vọng ra khắp xóm nghe rất vui tai. Hiện nay, máy xay bột đã có nên nhiều gia đình chỉ cần đem gạo đi xay hoặc ra chợ mua bún về dùng.
Tất nhiên, món thịt vịt đặc trưng nhất của người Tày, Nùng là vịt quay với lá mắc mật. Vịt mổ xong, tẩm ướp gia vị rồi nhét đầy lá mắc mật vào bụng con vịt, khâu lại, phết mật ong bên ngoài da và quay.
Chị Đinh Thị Hải Yến, giáo viên trường Tiểu học Đồng Tiến (huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) cho biết, do vịt quay lá mắc mật đã trở thành đặc sản của người Tày, Nùng nên những năm trở lại đây, ở nhiều đô thị lớn như: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Biên Hòa..., nhiều người mở tiệm bán vịt quay với lá mắc mật. Gia đình chị Yến cũng mua lò quay để mở tiệm, vào những ngày Tết tháng 7, trung bình khách đặt từ 40 - 50 con/ngày.
Cha mẹ vợ làm món vịt chiên để con gái, con rể và các cháu ăn trong ngày Tết tháng 7.
Theo chị Hải Yến, lá mắc mật được nhồi đầy trong bụng vịt cùng với gia vị đã tẩm, bên ngoài phết mật ong. Khi quay, mỡ vịt được ép bớt ra ngoài để thịt không quá béo. Quay xong, con vịt trở nên vàng óng, da rất giòn, các gia vị được nhét vào con vịt bị sức nóng khi quay làm chảy ra chất có mùi vị rất đặc trưng của lá mắc mật. Lúc này người dùng chỉ cần chặt từng miếng không to quá, không nhỏ quá và ăn với rau thơm, dưa chua trộn, dưa leo và dùng chính nước trong bụng con vịt quay để chấm.
Cũng vì món chính trong những ngày Tết tháng 7 là thịt vịt, nên ở rất nhiều vùng nông thôn - Nơi có người Tày, Nùng sinh sống thường nuôi vịt trong vườn nhà từ tháng 4 âm lịch, khi mùa mưa bắt đầu để chờ ăn Tết. Ngoài vịt quay, vịt chiên và vịt luộc với lá mắc mật, trong những ngày Tết tháng Bảy, đặc biệt là ngày Rằm cũng không thể thiếu món bánh gai để đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên.
Còn vì sao thịt vịt không thể thiếu trong mâm cỗ của người Tày, Nùng trong những ngày Tết tháng 7, bà Triệu Thị Thập (SN 1951, ngụ xã Tân Phước, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) cho biết, theo truyền thuyết thì vịt được xem là con vật thiêng trong tâm linh người Tày, Nùng. Bởi lẽ ở ngày xưa Cao Bằng chỉ trồng được 2 vụ lúa/năm (tháng 3 đến tháng 6 và tháng 6 đến tháng 10 âm lịch). Do đó, nuôi vịt, ăn thịt vịt nhằm cảm ơn trời đất mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Theo quan niệm của người Tày, Nùng những ngày Tết tháng 7 là dịp để người con gái cùng chồng và con về nhà bố mẹ vợ để báo hiếu cha mẹ vợ. Ngoài ra Pây Tái còn là dịp để con rể thể hiện lòng biết ơn cha mẹ vợ đã sinh ra vợ mình.
Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Lào Cai gỡ vướng trong công tác giải phóng mặt bằng Dự án đường dây 500kV

Lào Cai gỡ vướng trong công tác giải phóng mặt bằng Dự án đường dây 500kV

04 Jul, 08:56 PM

Kinhtedothi- Mặc dù các phương án bồi thường và tái định cư đã được phê duyệt, nhưng đến đầu tháng 7/2025, nhiều địa phương vẫn chưa hoàn tất việc chi trả và thu hồi đất cho Dự án đường dây 500kV Lào Cai – Vĩnh Yên. Lãnh đạo tỉnh yêu cầu khẩn trương tháo gỡ những điểm nghẽn, tránh ảnh hưởng đến tiến độ chung.

Sẽ vinh danh 20 gương thanh niên sống đẹp tiêu biểu năm 2025

Sẽ vinh danh 20 gương thanh niên sống đẹp tiêu biểu năm 2025

04 Jul, 02:25 PM

Kinhtedothi - Giải thưởng Thanh niên sống đẹp năm 2025 sẽ tuyên dương 20 gương thanh niên tiêu biểu trên các lĩnh vực. Các cá nhân được nhận giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” là những người có những hành động đẹp, tạo sự lan tỏa, truyền năng lượng tích cực cho xã hội, đặc biệt là các bạn trẻ.

Thủ tướng nêu thời hạn với “3 nhiệm vụ lớn”

Thủ tướng nêu thời hạn với “3 nhiệm vụ lớn”

03 Jul, 09:44 PM

Kinhtedothi - Theo thông báo của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chỉ đạo cụ thể về tiến độ đối với các công tác: xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước; các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2025.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ