Tết Trung thu, đồ chơi truyền thống dần lấy lại vị thế

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Trung thu, hiện các tuyến phố như Hàng Mã, Hàng Lược, Hàng Gai... đang ngập tràn những sắc màu rực rỡ với đủ loại đồ chơi truyền thống tới hiện đại. Đặc biệt, đồ chơi truyền thống đang dần lấy lại vị thế trong Tết Trung thu 2023.

Nhộn nhịp thị trường đồ chơi Trung thu

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, tại khu vực chuyên kinh doanh đồ chơi trên phố Hàng Mã, Lương Văn Can… (quận Hoàn Kiếm) cho thấy đồ chơi Trung thu năm nay phong phú và đa dạng mẫu mã, màu sắc bắt mắt. Đặc biệt, các mặt hàng đồ chơi truyền thống như mặt nạ bồi, đèn lồng, đèn ông sao, đầu lân, trống… chiếm đến 70-80% lượng sản phẩm tại các gian hàng.

Người tiêu dùng mua đồ chơi Trung Thu trên phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm). Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua đồ chơi Trung Thu trên phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm). Ảnh: Hoài Nam

Để thu hút được khách, những năm gần đây, các làng nghề chuyên sản xuất đồ chơi Trung thu truyền thống đã đổi mới cách trang trí, gắn thêm đèn và nhạc bên trong theo kiểu hiện đại, nhưng giá bán cũng khá hợp lí.

Cụ thể, trống bỏi có giá 5.000-10.000 đồng/chiếc, chuồn chuồn tre cân bằng có giá từ 8.000-20.000 đồng/con, lồng đèn giấy thủ công giá 20.000-40.000 đồng/chiếc, trống lắc tay có giá từ 30.000-40.000 đồng/cái, một số loại lồng đèn hình con cá, con chim được gắn đèn và bộ phát nhạc có giá từ 30.000-100.000 đồng/cái, đèn kéo quân từ 100.000-300.000 đồng/chiếc, đầu lân có giá từ 150.000-650.000 đồng/bộ tùy kích cỡ…

Bên cạnh lồng đèn, các sản phẩm mặt nạ được làm bằng giấy bồi với màu sắc tươi tắn, bắt mắt với hình dáng mô phỏng theo các nhân vật trong đời sống, văn học dân gian xưa như Chí Phèo, Thị Nở, 12 con giáp, chú Tễu… được bày bán tại các cửa hàng có giá từ 35.000-80.000 đồng/chiếc. Những chiếc mặt nạ này được nhiều cơ quan, trường học… đặt mua số lượng lớn để trang trí dịp Tết Trung thu.

Người tiêu dùng mua đồ chơi Trung thu trên phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm). Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua đồ chơi Trung thu trên phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm). Ảnh: Hoài Nam

Đặc biệt, tàu thủy sắt tây món đồ chơi gắn liền với tuổi thơ của thế hệ 8x, 9x cũng đã quay trở lại trong mùa Trung thu năm nay với giá từ 100.000 - 1 triệu đồng tùy kích thước và độ tinh xảo. Theo các chủ kinh doanh, một số loại đèn lồng, mặt nạ chủ yếu được sản xuất từ các làng nghề như làng Hảo (xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), làng Hậu Ái (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức)...

Lý giải nguyên nhân khiến sản phẩm truyền thống hút khách, các tiểu thương có chung ý kiến, đồ chơi truyền thống được các nghệ nhân làng nghề chế tác theo phương pháp thủ công nên các chi tiết tạo hình đều hồn nhiên, giản dị sống động nên thu hút một lượng lớn người tiêu dùng mang tâm lý hoài cổ.

Ngăn chặn đồ chơi trẻ em bạo lực nhập lậu

Tết Trung thu đang đến gần, lợi dụng dịp này, không ít đối tượng kinh doanh đồ chơi trẻ em tung ra thị trường những mặt hàng nhập lậu mang tính bạo lực, kém chất lượng để trục lợi.

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra cửa hàng kinh doanh đồ chơi. Ảnh: Hoài Nam
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra cửa hàng kinh doanh đồ chơi. Ảnh: Hoài Nam

Thực tế một số cửa hàng kinh doanh đồ chơi trên phố Hàng Mã, Lương Văn Can (quận Hoàn Kiếm), Quang Trung (quận Hà Đông) và một số huyện ngoại thành đang bán ra thị trường các loại súng bắn bi, bắn đạn nhựa, kiếm, đao... với giá từ 50.000 - 300.000 đồng/sản phẩm. Tại một số sạp hàng người tiêu dùng thường bắt  đèn lồng thỏ được làm bằng nan tre, bên trong có chú thỏ nhỏ. Thoạt nhìn, ai cũng tưởng đây là đồ chơi trong nước, nhưng lại gần thì đều dán chữ Trung Quốc.

Thực tế cho thấy, không chỉ xuất hiện tại các cửa hàng kinh doanh đồ chơi, trên trang mạng xã hội Facebook, Zalo hoặc các sàn thương mại điện tử đều xuất hiện tình trạng công khai rao bán đồ chơi bạo lực. Khách hàng chỉ cần đăng ký thành viên là có thể dễ dàng mua được các mặt hàng độc hại này.

Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) Hoàng Đại Nghĩa cho biết: "hiện một khẩu súng nhựa được nhập về chỉ với giá trên dưới 10.000-20.000 đồng, nhưng khi đến tay người mua, giá được thổi lên khoảng hơn 100.000 đồng. Vì lợi nhuận gấp cả chục lần nên chủ hàng sẵn sàng nhập số lượng lớn để bán ra thị trường”.

Đội Quản lý thị trường số 24 bắt giữ đồ chơi  nhập lậu tại số 162 đường La Phù, thôn Chùa Tổng, xã La Phù, huyện Hoài Đức. Ảnh: Hoài Nam
Đội Quản lý thị trường số 24 bắt giữ đồ chơi  nhập lậu tại số 162 đường La Phù, thôn Chùa Tổng, xã La Phù, huyện Hoài Đức. Ảnh: Hoài Nam

Vừa qua Đội Quản lý thị trường số 24 (Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội) qua kiểm tra đã phát hiện cửa hàng thuộc hộ kinh doanh Phan Thị Nga (địa chỉ số 162 đường La Phù, thôn Chùa Tổng, xã La Phù, huyện Hoài Đức) đang kinh doanh gần 2000 sản phẩm đồ chơi trẻ em nhập lậu.

Nhằm ngăn chặn tình trạng buôn bán đồ chơi nhập lậu trong dịp Tết Trung thu, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã chỉ đạo quản lý thị trường quận huyện tập trung kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh các mặt hàng đồ chơi trẻ em kích động bạo lực nhập lậu. Trong đó chú trọng kiểm tra về nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn chứng từ, ghi nhãn hàng hóa, chứng nhận hợp quy và các quy định khác trong quản lý mặt hàng đồ chơi trẻ em.

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên khuyến cáo, người tiêu dùng, nên cẩn trọng khi mua hàng, nên lựa chọn những địa điểm uy tín để mua đồ chơi cho trẻ nhỏ. Đối với đồ chơi nhập khẩu, phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt và ghi đầy đủ các thông tin về nhãn hàng hóa. Cần kiểm tra các thông tin ghi nhãn sản phẩm đồ chơi trẻ em trước khi mua, để lựa chọn sản phẩm thích hợp với độ tuổi và nhu cầu. Chỉ mua và sử dụng đồ chơi trẻ em đã được chứng nhận hợp quy, trên sản phẩm.