Năm nay, thị trường giáp Tết ổn định, không còn tình trạng khan hàng, hét giá ngay cả rau xanh, giá cả cũng không tăng vọt như mọi năm.
Từ nửa năm trước, đề phòng vào dịp Tết, giá cả các mặt hàng bị đẩy lên cao, Sở Công Thương, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã chuẩn bị hàng nghìn tấn hàng hóa, đặc biệt là bánh kẹo, rau tươi, thịt tươi, tăng từ 15 - 18% so với năm ngoái, bảo đảm giá cả ổn định, hàng rõ nguồn gốc, an toàn về vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là bằng nguồn vốn tự huy động, không dựa vào ngân sách. Vùng rau an toàn của các hợp tác xã trồng rau huyện Đông Anh, Thanh Trì, Mê Linh đã chiếm tỷ lệ từ 70 - 95% ở một số chợ như chợ Hôm, chợ Long Biên, chợ Châu Long, chợ Trương Định, chợ chùa Láng, hệ thống siêu thị Big C, hệ thống siêu thị của Hapro...
Chuẩn bị hàng hóa để người dân yên tâm đón Tết, Sở Công Thương còn phối hợp với UBND các huyện, các DN trên địa bàn tổ chức hàng chục trung tâm thương mại bán hàng bình ổn giá tại các huyện, thị xã; tổ chức hơn 150 chuyến hàng lưu động bình ổn giá về các huyện, thị xã, khu công nghiệp, khu chế xuất phục vụ nhu cầu mua sắm của đông đảo người dân. Giá cả các mặt hàng thấp hơn giá thị trường từ 5 - 20%.
Với tinh thần mọi nhà đều có Tết, các gia đình chính sách, gia đình có công, gia đình đặc biệt khó khăn đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền đoàn thể xã hội và những tấm lòng hảo tâm khắp nơi dành nhiều tỷ đồng hết lòng chăm lo Tết. Như Liên đoàn Lao động TP đã tặng hàng chục ngàn vé xe, nhiều nhà mái ấm, nhiều đội thanh niên tình nguyện trực thay, trông nhà và giúp đỡ người nghỉ Tết. Ngành điện đã tổ chức 5.000 ca trực, bảo đảm không nhà nào mất điện… Nhờ những cố gắng đó, ai cũng có mái ấm sum họp, ai cũng có tết sum vầy, không còn gia đình nào thiếu đói. Có thể nêu một số điển hình: Những người dân ở xã miền núi An Phú, huyện Mỹ Đức - xã xa nhất của Thủ đô đã được lãnh đạo TP trực tiếp trao 225 phần quà (mỗi phần quà trị giá 500.000 đồng) gửi tới các gia đình chính sách, hộ có hoàn cảnh khó khăn, đã làm cho ngày Tết của họ càng trọn vẹn niềm vui. Trong dịp Tết năm nay, tổng cộng, các cấp công đoàn Thủ đô đã phối hợp chính quyền các cấp, tổ chức trao quà tặng hơn 22.000 công nhân viên chức lao động có hoàn cảnh khó khăn với số tiền hơn 15,2 tỷ đồng; chuẩn bị gần 650 chuyến xe để đưa khoảng 28.500 người đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp tập trung, các DN trên địa bàn TP Hà Nội về quê đón Tết, sum vầy cùng gia đình.
Bên cạnh việc chăm lo vật chất, Hà Nội cũng đã quan tâm hơn đến đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân. Trong dịp Tết Đinh Dậu 2017, TP đã có kế hoạch tổ chức nhiều chương trình miễn phí cho Nhân dân ở hàng trăm điểm quanh khu vực Hồ Gươm, khu phố cổ, các phố dành đi bộ và các điểm vui, chơi, nhà văn hóa các quận, huyện, thị xã.
Với những nỗ lực chung của các cấp, các ngành, chắc chắn Nhân dân Thủ đô sẽ được đón Tết Đinh Dậu 2017 trong không khí vui tươi, tiết kiệm và mọi người, mọi nhà đều có Tết.
Tuy nhiên, trong niềm phấn khởi chung, vẫn còn những lo lắng về an toàn giao thông, về tình trạng rượu bia, mất an ninh trật tự, tình trạng cháy nổ vào dịp Tết. Với những khó khăn và tình trạng vật chất hiện nay, để lo một cái Tết đủ đầy, tiết kiệm, an toàn cho dân, phải nói rằng các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức xã hội đã làm được rất nhiều việc. Nhưng còn những việc không thể lo hết được, nói đúng ra là không thể lo được nếu không có sự hợp tác của người dân như chuyện an toàn thực phẩm, đua xe lạng lách, rượu bia quá đà, tai nạn giao thông, phòng chống cháy nổ, giữ gìn vệ sinh môi trường… Tất nhiên đó là những vấn đề phải khắc phục lâu dài, nhưng bắt đầu từ Tết này, hưởng ứng "Năm kỷ cương hành chính", chúng ta hãy xây dựng một Tết Nguyên đán văn minh, lành mạnh, bớt tai nạn, bớt bệnh tật, bớt mất an toàn ở khu dân cư so với mọi năm.