Mô hình trồng hoa trong nhà kính của hộ anh Nguyễn Hữu Cường, ở xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Ngọc Ánh |
Hiệu quả kinh tế cao
Hộ anh Nguyễn Hữu Cường, ở thôn Minh Nghĩa, xã Đại Đồng là điển hình về phát triển nông nghiệp giá trị kinh tế cao ở Thạch Thất. Hiện, mô hình trồng hoa 2ha đồng tiền và một số loại hoa khác (hồng cúc, lily…) đang cho thu nhập 1 tỷ đồng/năm. Anh Cường chia sẻ: “Đầu tư nhà kính trồng hoa tuy tốn một khoản kinh phí lớn nhưng bù lại được nhiều cái lợi, nhất là không còn nỗi lo phụ thuộc vào thời tiết. Nhờ đó, hoa cho chất lượng tốt, bông đẹp, rải vụ quanh năm và giá bán ổn định”. Không chỉ làm giàu cho gia đình, mô hình trồng hoa của anh Cường còn tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động với mức lương trung bình 5 triệu đồng/người/tháng.
Thạch Thất kiến nghị các sở, ngành TP tiếp tục phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, thị trường để thu hút DN, các nhà đầu tư, ngân hàng cùng nông dân tham gia xây dựng chuỗi giá trị bền vững trong các mô hình liên kết. Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan |
Ngoài phát triển kinh tế ở nông hộ, trên địa bàn Thạch Thất còn xuất hiện một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với du lịch sinh thái. Điển hình như khu sinh thái nông nghiệp Ngọc Linh ở xã Tiến Xuân, với quy mô hơn 5ha, đang sản xuất nhiều sản phẩm an toàn như: Tảo xoắn spirulia, rau thủy canh siêu sạch theo công nghệ Nhật Bản, trứng gà sạch... 2 năm trở lại đây, Khu sinh thái nông nghiệp Ngọc Linh trở thành địa điểm cung ứng thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng và là vườn ươm chuyển giao kỹ thuật, thu hút rất nhiều du khách tới tham quan.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng cho hay, mục tiêu phát triển nông nghiệp của Thạch Thất là đẩy mạnh việc khuyến khích nông dân, hợp tác xã, DN đầu tư xây dựng các mô hình theo hướng công nghệ cao gắn kết theo chuỗi sản xuất, đảm bảo ATTP và nâng cao giá trị kinh tế. Nhờ đó, năm 2018, giá trị sản xuất nông nghiệp của Thạch Thất đạt hơn 1.600 tỷ đồng. Hiện, toàn huyện có 5 mô hình ứng dụng công nghệ cao, 6 mô hình liên kết theo chuỗi sản xuất. Các mô hình này đang cho thu nhập trung bình từ 1 – 5 tỷ đồng/năm và tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương.
Cần sự đầu tư của doanh nghiệp
Để hình thành các mô hình nông nghiệp giá trị cao, kinh nghiệm của huyện Thạch Thất là tập trung đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, tích cực đổi mới bộ giống, điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa vào sản xuất. Cụ thể, trong trồng trọt, huyện định hướng chuyển trọng tâm sản xuất từ sản lượng sang chất lượng, bước đầu hình thành các mô hình sản xuất chuyên canh tập trung, hiệu quả rõ rệt. Trong chăn nuôi, huyện định hướng phát triển theo mô hình trang trại và gia trại tập trung, xa khu dân cư với quy mô vừa và nhỏ, bảo đảm an toàn dịch bệnh.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan, thực tế việc nhân rộng các mô hình nông nghiệp giá trị kinh tế cao trên địa bàn huyện vẫn đang gặp một số khó khăn về vốn, tích tụ ruộng đất, kết cấu hạ tầng, cơ sở sản xuất giống và bảo quản nông sản sau thu hoạch. Do đó, Thạch Thất rất cần sự đầu tư từ các DN.
Thời gian tới, đi đôi với đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, Thạch Thất ưu tiên ngân sách đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, có thêm cơ chế hỗ trợ đặc thù cho DN khi đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn. Trước mắt, huyện tập trung khuyến khích người dân tích tụ ruộng đất bằng nhiều hình thức (cho thuê, mượn hoặc hợp đồng liên doanh...) nhằm tạo quỹ đất sạch với diện tích đủ lớn phục vụ đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra, huyện chủ động phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam chuyển giao một số tiến bộ kỹ thuật mới trong mô hình nông, lâm nghiệp kết hợp, qua đó, giúp người dân nâng cao kiến thức sản xuất.