Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thạch Thất: Tạo cơ hội cho người dân tiếp cận dịch vụ khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm tạo cơ hội thuận lợi cho người dân được tiếp cận, sử dụng dịch vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh có chất lượng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Thạch Thất cũng như Bệnh viện (BV) Đa khoa huyện Thạch Thất đã xây dựng kế hoạch, triển khai truyền thông khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh tại các xã trên địa bàn.

Ghi nhận tại Trạm y tế (TYT) xã Đồng Trúc, chị Nguyễn Thị Tý - Trạm trưởng cho biết, trạm quản lý 120 - 130 thai phụ, trên 90% số thai phụ đến khám thai định kỳ. Công tác truyền thông khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh được chú trọng thực hiện dưới sự chỉ đạo của Ban Dân số xã; truyền thông trên hệ thống loa truyền thanh của xã tối thiểu 1 lần/tuần, tư vấn trực tiếp trong các buổi khám hàng ngày tại trạm....
Các phương pháp khám sàng lọc được triển khai thực hiện tại trạm gồm: Siêu âm sàng lọc các dị tật thai nhi trước sinh được thực hiện 3 lần vào các tuần thai 12 - 14 tuần, 16 - 22 tuần và 32 tuần; xét nghiệm sàng lọc trẻ sơ sinh bằng cách lấy máu gót chân khi trẻ mới sinh để xét nghiệm sàng lọc các bệnh bẩm sinh.
 Lấy máu gót chân cho trẻ sơ sinh và sàng lọc tim bẩm sinh cho trẻ trong thời gian vàng từ 48 - 72 giờ sau sinh.
Chị Hồ Kim Chi (30 tuổi, xã Đồng Trúc) chia sẻ: "Tôi mang thai được khoảng 14 tuần, đây là lần mang thai đầu nên còn nhiều điều bỡ ngỡ. Tôi đến khám thai tại TYT xã Đồng Trúc để xem thai có phát triển khỏe mạnh hay không, cũng như nghe tư vấn của các y bác sĩ về chế độ ăn uống, nghỉ ngơi giúp em bé phát triển tốt và theo dõi những dấu hiệu bất thường từ cơ thể".
Phó Giám đốc TTYT huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Tùng nhấn mạnh, công tác kế hoạch hóa gia đình là một trong những nhiệm vụ quan trọng, khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh là việc làm thường xuyên. Ngay từ đầu năm, Trung tâm đã tham mưu xây dựng kế hoạch triển khai khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Các cặp vợ chồng, những người có nhu cầu khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh đều có thể đăng ký tại các TYT và TTYT huyện Thạch Thất để được tư vấn.
Hàng tháng các xã đều được cập nhật chuyên môn, kiến thức mới. Đội ngũ công tác viên dân số cũng được cập nhật kiến thức để tuyên truyền vận động các trường hợp sau sinh đưa trẻ ra trạm khám sàng lọc sơ sinh. Đồng thời, tổ chức các buổi truyền thông để cán bộ y tế cung cấp, chia sẻ cho người dân những kiến thức về kế hoạch hóa gia đình, lợi ích của kế hoạch hóa gia đình cùng các biện pháp tránh thai và nơi cung cấp các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh… Hàng năm tổ chức khoảng 170 cuộc truyền thông, do tình hình dịch năm nay chỉ tổ chức khoảng 80 cuộc (mỗi cuộc 20 - 50 người tùy từng thời điểm dịch).
Để thực hiện công tác khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh đạt hiệu quả hơn nữa, thời gian tới, TTYT huyện Thạch Thất sẽ tập trung vào công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân số từ cấp huyện đến cơ sở đối với công tác truyền thông. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao trình độ đội ngũ y bác sĩ trong việc tư vấn, chẩn đoán sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho trẻ phát hiện sớm các thai dị tật để có biện pháp can thiệp kịp thời.
Tại BV Đa khoa huyện Thạch Thất, bác sĩ Phan Mạnh Tiến - Phó Trưởng khoa Sản của BV cho biết: "Nhu cầu chăm sóc trước sinh và sơ sinh của người dân ngày càng tăng cao, việc khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh giúp giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ, giúp trẻ phát triển bình thường và tránh những hậu quả nặng nề mà dị tật bẩm sinh gây ra.
Đặc biệt, với trẻ bị dị tật, điều này có ý nghĩa lớn đến cải thiện tương lai và sự phát triển sau này của trẻ. Hơn nữa, sàng lọc cũng giúp nâng cao chất lượng dân số, cải thiện và giảm nhẹ gánh nặng cho xã hội. Khám sàng lọc giúp phát hiện sớm các bệnh lý về di truyền, một số bệnh có thể phòng tránh được qua sàng lọc. Hiện các biện pháp sàng lọc trước sinh và sơ sinh đang được triển khai hiệu quả tại BV Đa khoa huyện Thạch Thất, các sản phụ đều hài lòng với những tư vấn của bác sĩ tại BV và áp dụng theo chỉ dẫn của bác sĩ nhằm giúp trẻ sinh ra khỏe mạnh".
Chị Bùi Thị Huyền (xã Kim Quan, Thạch Thất) vừa sinh mổ tại BV Đa khoa huyện Thạch Thất nói: "Tôi được các bác sĩ tư vấn khám sàng lọc sơ sinh cho bé để giúp bé sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh cho những năm tiếp theo như sàng lọc tim bẩm sinh, lấy máu gót chân để sàng lọc 2 bệnh suy giáp bẩm sinh và thiếu men G6PD và tiêm viêm gan B để tránh lây truyền bệnh từ mẹ sang con".
Sàng lọc trước sinh và sơ sinh là bước đi lâu dài của ngành dân số nói riêng và cả xã hội nói chung vì mục tiêu cải thiện, nâng cao chất lượng giống nòi, hướng tới tương lai hạn chế đến mức thấp nhất người khuyết tật do các bệnh bẩm sinh gây ra.