Những tấm gương sáng giữa đời thường
Năm 1973 rời quân ngũ, trở về với cuộc sống đời thường, ông Vũ Xuân Chuyền, thôn 2, xã Đại Đồng mang trong mình thương tật 61% và bị nhiễm chất độc da cam do hậu quả chiến tranh. Tuy nhiên, với bản chất bộ đội cụ Hồ và quyết tâm không cam chịu đói nghèo, ông Chuyền đã vượt khó vươn lên và trở thành gương điển hình trong sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương. Với nghề mộc truyền thống, ông đã gây dựng thành công Công ty TNHH Tuấn Chuyền, chuyên sản xuất, kinh doanh nội thất. Công ty tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 25 lao động là con em cựu chiến binh, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện, với mức lương từ 7 đến 10 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài làm kinh tế giỏi, ông Chuyền còn tham gia tích cực vào công tác an sinh xã hội ở địa phương, phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư. Hàng năm, ông cùng gia đình đã ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ chăm sóc người cao tuổi, quỹ vì người nghèo, xây nhà tình nghĩa, nhà đồng đội, nhà đại đoàn kết… Trong 3 năm qua, ông đã đóng góp ủng hộ khoảng 200 triệu đồng cho công tác nhân đạo trong và ngoài địa phương.
Trên cương vị Chủ tịch Hội Nạn nhân nhiễm chất độc Da cam, Dioxin huyện Thạch Thất, ông đã vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ giúp đỡ các hội viên có hoàn cảnh khó khăn, các cháu tàn tật do ảnh hưởng chất độc Da cam hàng trăm triệu đồng.
Cũng vinh dự là một trong những gương “Người tốt, việc tốt” được TP Hà Nội ghi nhận, khen thưởng năm 2024, chị Nguyễn Thị Vân, giáo viên Trường Tiểu học Thạch Xá ngoài làm tốt chuyên môn ở trường, hàng năm chị còn tích cực với các phong trào thiện nguyện. Chị nhận quần áo cũ từ các nơi để gửi lên cho bà con vùng cao, các gia đình khó khăn. Chỉ tính riêng từ năm 2019 đến nay, chị đã đứng ra kêu gọi 21 đợt ủng hộ giúp đỡ các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, các em học sinh vùng cao, trẻ mồ côi… với tổng kinh phí trên 500 triệu đồng. Bản thân gia đình chị cũng ủng hộ quỹ vì người nghèo, thăm hỏi, tặng quà cho các em mồ côi, trẻ em miền núi có hoàn cảnh khó khăn hàng trăm triệu đồng.
“Với tôi, được làm việc thiện, việc có ích cho xã hội chính là hạnh phúc. Mặc dù những đóng góp của tôi chưa lớn, nhưng tôi sẽ cố gắng giúp đỡ, chung tay với những hoàn cảnh khó khăn, góp thêm những bông hoa việc tốt vào rừng hoa của cả nước theo lời Bác căn dặn” – chị Vân tâm sự.
Không chỉ trong công tác xã hội, thiện nguyện, hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước, những năm qua tại các công đoàn cơ sở huyện Thạch Thất cũng xuất hiện nhiều tấm gương lao động giỏi, lao động sáng tạo, với nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật làm lợi cho đơn vị. Một trong những điển hình đó phải kể đến anh Tạ Văn Thắng, công nhân hàn- Công ty CP kết cấu thép Bình Phú (Thạch Thất). Trong hơn 10 năm gắn bó tại Công ty CP kết cấu thép Bình Phú, bản thân anh Thắng luôn không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ, tay nghề, kinh nghiệm làm việc; tìm tòi, đề xuất 5 sáng kiến cải tiến, hợp lý hóa sản xuất, tăng năng suất lao động và làm lợi cho Công ty trên 500 triệu đồng.
Bằng những nỗ lực trong lao động, sản xuất, từ năm 2014 đến nay, anh Tạ Văn Thắng luôn đạt thành tích các trong các kỳ đánh giá tay nghề nội bộ tổ chức thường niên của Công ty, hàng năm đều đạt danh hiệu Lao động tiên tiến và tiêu biểu xuất sắc. Mới đây, anh đã được Liên đoàn Lao động Thành phố công nhận “Công nhân giỏi Thủ đô” năm 2024.
Cũng có nhiều sáng kiến, sáng tạo trong công việc, chị Nguyễn Thị Hiền - chuyên viên Liên đoàn Lao động huyện Thạch Thất ngoài làm tốt chuyên môn, còn tích cực vận động, hướng dẫn đoàn viên tham gia chương trình 1 triệu sáng kiến. Bản thân chị Hiền cũng đã nộp 7 sáng kiến; viết, đưa trên 600 tin, bài về các hoạt động của công đoàn các cấp huyện…
Lan tỏa những giá trị tốt đẹp, tạo động lực phát triển quê hương
Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng cho biết, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”, thời gian qua huyện Thạch Thất luôn coi trọng triển khai phong trào “Người tốt, việc tốt” với nhiều cách làm hay, sáng tạo, nhờ vậy đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong các tầng lớp Nhân dân. Các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn huyện ra sức thi đua, học tập đạt nhiều thành tích trên các lĩnh vực đời sống xã hội, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 34-CT/TƯ ngày 7-4-2014 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”; tổng kết phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”, huyện Thạch Thất đã được các cấp có thẩm quyền khen thưởng: Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba về công tác xây dựng nông thôn mới, 2 Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ… Năm 2024, huyện vinh dự được Chủ tịch UBND Thành phố tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu cho 31 cá nhân.
Phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” gắn với xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất, kinh doanh được triển khai trên địa bàn huyện Thạch Thất đã tạo nên sự thay đổi căn bản diện mạo ở các xã, thôn, xóm. Thông qua phong trào đã phát hiện rất nhiều những hành động đẹp, việc làm tốt; hỗ trợ giúp nhau phát triển kinh tế; các phong trào thi đua cải tạo cảnh quan môi trường, phát triển thành phường gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; thi đua trong thực hiện cải cách hành chính, thực hiện văn hoá công sở và nơi công cộng…. Đây chính là động lực để xây dựng phát triển huyện ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Những tấm gương nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, những chân dung sống động, dung dị, đời thường của những người tốt, việc tốt trên địa bàn huyện Thạch Thất rất đáng trân trọng và tự hào. Việc làm của những “bông hoa đẹp” đó, sẽ mãi tỏa sáng để lan tỏa trong đời sống xã hội và cũng chính là nhân tố để tạo nên sức sống bền vững của phong trào thi đua người tốt việc tốt - để “Mỗi người tốt, việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp” theo lời căn dặn của Bác.