Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thách thức để phim hoạt hình Việt trở thành ngành công nghiệp văn hoá

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Cần thay đổi cách thức sản xuất phim hoạt hình để tập hợp sức mạnh, mở ra hướng liên kết, hợp tác, đóng góp cho công nghiệp văn hóa Việt Nam là ý kiến được đưa ra trong toạ đàm “Phim hoạt hình Việt Nam- Năng lực sản xuất và xu hướng hợp tác quốc tế” vừa được tổ chức.

Đánh giá tiềm năng, thực lực

Phim hoạt hình Việt Nam có lịch sử 63 năm, từ ngày thành lập Xưởng phim hoạt họa búp bê Việt Nam ngày 9/11/1959. Đến tháng 6/1960, bộ phim hoạt hình đầu tiên ra đời là “Đáng đời thằng cáo”. Trong nhiều năm qua, điện ảnh Việt Nam đã có khoảng 700 - 800 phim hoạt hình với quy mô sản xuất hiện nay là 15-17 phim/năm.

Phim hoạt hình ''Con rồng cháu tiên'' có gần 30 triệu lượt xem trên Youtube. 
Phim hoạt hình ''Con rồng cháu tiên'' có gần 30 triệu lượt xem trên Youtube. 

“63 năm đồng hành cùng lịch sử dân tộc, qua các giai đoạn chiến tranh, thống nhất đất nước, đổi mới và hội nhập, phim hoạt hình là một bộ phận không thể thiếu được của điện ảnh Việt Nam, là người bạn của các thế hệ khán giả nhỏ tuổi. Gần một trăm bộ phim hoạt hình được trao giải thưởng Bông Sen Vàng, Bông Sen Bạc, Cánh Diều vàng, Cánh Diều bạc và các giải quốc tế”-  TS Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam chia sẻ.

Tại tọa đàm “Phim hoạt hình Việt Nam - Năng lực sản xuất và xu hướng hợp tác quốc tế" do Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam tổ, các chuyên gia cho biết, bên cạnh Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, có rất nhiều công ty có hoạt động sản xuất phim hoạt hình với quy mô lớn, sản phẩm đa dạng, nguồn nhân lực dồi dào, phương thức kinh doanh linh hoạt, thị trường không ngừng mở rộng, có trao đổi hợp tác thường xuyên với nước ngoài...Thế nhưng kết quả hoạt động này ra sao, có tiềm năng và đóng góp như thế nào vào thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam vẫn còn là câu hỏi lớn.

Bởi, phim hoạt hình Việt Nam tham dự các LHP trong nước lại không có sự tham gia của các hãng tư nhân. Điều này buộc những người làm phim nhìn nhận lại. Đặc biệt trong bối cảnh xây dựng công nghiệp văn hóa, trong đó có điện ảnh, hầu như doanh thu của phim hoạt hình chưa được tính vào doanh thu của điện ảnh mà chỉ tính phim chiếu rạp.

Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam Ngô Phương Lan khẳng định: Điểm khó khăn của phim hoạt hình Việt Nam là thiếu vắng những bộ phim lớn, có thời lượng dài, đủ sức để thu hút người xem xếp hàng mua vé tại rạp. Để có những bộ phim hoạt hình chiếm lĩnh thị trường, có dấu ấn, có tên tuổi trên thị trường quốc tế thì phải có những người làm phim tên tuổi, dẫn dắt được ngành làm phim hoạt hình Việt Nam".

Cần sự hỗ trợ từ Nhà nước

Trái ngược với sự bi quan của những nhà làm phim gạo cội, các nhà làm phim hoạt hình trẻ đến từ các công ty tư nhân năng động tại TP Hồ Chí Minh lại rất tự tin về năng lực của mình cũng như tin tưởng vào những cơ hội hợp tác quốc tế, nếu như họ có được sự hỗ trợ tốt hơn về mặt chính sách từ Nhà nước.

Lê Quỳnh Như - người sáng lập và quản lý DeeDee Animation Studio khẳng định trình độ, kỹ năng của họa sĩ hoạt hình Việt Nam ngang hàng với thế giới. Công ty của chị lâu nay vẫn là đồng sản xuất với các đơn vị lớn như Disney, Warner Bross, tham gia sản xuất các phim hoạt hình lớn như Doraemon và khách hàng rất hài lòng. Nhưng hiện các công ty làm phim hoạt hình Việt Nam muốn đưa sản phẩm ra thế giới thì hơi cô độc.

Nhà làm phim trẻ Lê Quỳnh Như đặt câu hỏi: “Các nhà làm phim nước ngoài bảo chứng cho chất lượng họa sĩ Việt Nam, chúng ta đủ giỏi nghề, kiếm ra tiền. Nhà nước còn chần chừ gì nữa chưa hỗ trợ cho chúng tôi?". Cô mong muốn Nhà nước thấy được tiềm năng giá trị ngành hoạt hình Việt Nam mà hỗ trợ cho DN như hỗ trợ các doanh nghiệp tới các hội chợ phim, liên hoan phim để quảng bá bằng vị thế quốc gia chứ không phải với tư cách một công ty đơn lẻ. Và đặc biệt là chính sách ưu đãi về thuế cho các nhà sản xuất để thu hút các nhà làm phim quốc tế chọn đối tác Việt Nam cùng làm phim.

Ông Phan Quân Dũng, Đại học Văn Lang (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, hiện có nhiều đơn vị tư nhân sản xuất phim hoạt hình, điều đó khiến hoạt hình đổi mới, đa dạng nội dung, nhiều đề tài trong cuộc sống. Đặc biệt, công nghệ phát triển đã thúc đẩy, đổi mới tư duy trong sáng tạo, cách nhìn, cách triển khai của đội ngũ trẻ hoàn toàn mới. Tuy nhiên, ông Phan Quân Dũng cho rằng, dù phát triển nhưng hoạt hình vẫn không có đầu tầu, không có dẫn dắt. Để phát triển hoạt hình Việt Nam, cần học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc.

"Đội ngũ các nhà làm phim của chúng ta chuyên môn giỏi nhưng thuần túy quan tâm nghề nghiệp, không quan tâm đến chính sách. Cứ có phim thì làm, không có phim thì thôi, chúng ta cần đòi hỏi phải đáp ứng được yêu cầu của xã hội" - ông Phan Quân Dũng khẳng định. Đồng thời ông Phan Quân Dũng đề nghị: "Cần xây dựng chiến lược phát triển hoạt hình Việt Nam nằm trong chiến lược phát triển văn hóa. Phải có người có tài, có tâm, có tầm để dẫn dắt hoạt hình Việt Nam phát triển. Phải có chính sách, nguồn lực kinh tế và sự tôn vinh xứng đáng cho người sáng tạo thì mới tạo nên sự phát triển đột phá của hoạt hình Việt Nam".

 

Trong khoảng 10 năm gần đây, sự tăng trưởng của phim hoạt hình khá tốt, đem lại 10-15% doanh thu của điện ảnh. Phim hoạt hình có đóng góp tích cực đối với thị trường điện ảnh. Nhưng nhìn ra thế giới, hoạt hình của chúng ta vẫn còn nhiều thứ phải ước mơ.

"Phim hoạt hình có tác dụng lan tỏa thông điệp nhân văn, từ đó khai thác và quảng bá giá trị văn hóa Việt Nam, xây dựng sức mạnh mềm của quốc gia, thương hiệu quốc gia

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.