Nâng hạng TTCK quan trọng như thế nào?
Thị trường vốn của các quốc gia hiện đang được phân theo 04 nhóm gồm: nhóm thị trường phát triển, thị trường mới nổi, thị trường cận biên và thị trường không đủ điều kiện để được phân loại (về phát triển kinh tế, quy mô và tính thanh khoản, và khả năng tiếp cận thị trường).
Hiện nay, TTCK Việt Nam đang ở nhóm thị trường cận biên và được FTSE Russell đưa vào danh sách nhóm chờ nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi.
Theo chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng của các tổ chức quốc tế.
Các nhà quản lý, chuyên gia trong nước và quốc tế cũng như các nhà đầu tư đều tỏ ra lạc quan về triển vọng nâng hạng của TTCK Việt Nam.
Theo Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - Vũ Chí Dũng, khi nâng hạng TTCK thành công sẽ là tín hiệu rõ ràng, cho thấy Việt Nam đã tiến bước dài hơn trong lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời thu hút thêm dòng vốn ngoại gián tiếp ròng khoảng 7,2 tỷ USD vào Việt Nam một năm. Dòng vốn này chủ yếu đến từ các quỹ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài lớn trên thế giới.
Bên cạnh đó, nâng hạng TTCK từ cận biên lên mới nổi sẽ giúp cải thiện khả năng định giá cổ phiếu. Theo đó, giá cổ phiếu trên thị trường sẽ được nhiều nhà đầu tư nước ngoài chuyên nghiệp tham gia đánh giá, thể hiện đúng nhu cầu thực tế và đánh giá đúng tiềm năng phát triển của các DN.
Việc cải thiện định giá này sẽ hỗ trợ tích cực cho quá trình cổ phần hóa, giúp cho việc thoái vốn của DN nhà nước (DNNN) có thể thu được nguồn thu cao hơn cho Ngân sách Nhà nước.
Hiện nay, số lượng nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ đang chiếm hơn 90% trên thị trường, nếu thị trường nâng hạng thành công sẽ góp phần gia tăng số lượng nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư có quy mô lớn trên thị trường. Từ đó tăng tính chuyên nghiệp và bền vững trong hoạt động đầu tư, giảm thiểu các biến động mạnh của thị trường do bị tác động tâm lý của số lượng lớn nhà đầu tư cá nhân.
Tháo nút thắt cho quá trình nâng hạng
Trong 2 năm trở lại đây, đã có nhiều cam kết mạnh mẽ, quyết liệt từ các cơ quan quản lý nhằm tháo gỡ nút thắt, giúp nâng hạng TTCK. Khi xếp những tiêu chí nâng hạng thị trường, các tiêu chí về giá trị vốn hóa, vấn đề thanh khoản đã đáp ứng được nhưng còn nhiều hạn chế cần cải thiện. Một trong những giải pháp để nâng hạng TTCK chính là minh bạch thông tin.
Liên quan đến vấn đề minh bạch, Việt Nam ghi nhận hoạt động công bố thông tin trên TTCK và tỷ lệ DN niêm yết đạt chuẩn có xu hướng tăng dần theo thời gian. Tuy nhiên, đây đa phần là các DN lớn, DN đầu ngành. Ngoài ra, một số vấn đề khác khi công bố thông tin thường gặp như: Công bố thông tin sai lệch, trễ hạn, không công bố hoặc quá hạn gửi thông tin... Điều này cho thấy việc tuân thủ theo yêu cầu minh bạch thông tin không hề dễ dàng.
Theo đánh giá của MSCI và FTSE, Việt Nam cần cập nhật thông tin công bố bằng tiếng Anh, song song với ngôn ngữ tiếng Việt như hiện nay.
Ngoài các yếu tố trên, hệ thống KRX cũng được đánh giá có vai trò quan trọng trong việc góp phần nâng hạng TTCK. Dù dự kiến đi vào hoạt động trong tháng 5/2024 nhưng đã bị hoãn lại do một số nguyên nhân. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý đang nỗ lực đẩy nhanh việc ra mắt hệ thống KRX.
Theo các chuyên gia, khi hệ thống KRX được vận hành sẽ giảm bớt các lỗi giao dịch tạo tính khách quan thị trường, thu hút dòng vốn ngoại sẽ là yếu tố quan trọng để thị trường chứng khoán Việt Nam phấn đấu nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Bà Phạm Thị Thùy Linh - Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) cho biết, Việt Nam đã đạt 7/9 tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi ở mức thứ cấp. Hiện còn 2 tiêu chí cần hoàn thiện là ký quỹ trước giao dịch nhà đầu tư nước ngoài và tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài.
Đối với giải pháp ký quỹ, UBCKNN đã trao đổi cùng các tổ chức xếp hạng quốc tế để tìm giải pháp. UBCKNN đã trình Bộ Tài chính có đề xuất sửa đổi bổ sung một số văn bản, trước mắt không yêu cầu ký quỹ 100% bằng tiền đối với nhà đầu tư nước ngoài tổ chức, bảo đảm hoạt động nước ngoài, hoạt động thanh toán.
Về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, UBCKNN sẽ cùng với Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT rà soát ngành nghề, đồng thời công bố thông tin minh bạch bằng tiếng Anh để nhà đầu tư nắm thông tin tỷ lệ sở hữu của các DN một cách dễ dàng nhất.
Nâng hạng thị trường đã là một bài toán khó nhưng để duy trì được hạng thì lại là một thách thức lớn hơn. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBCKNN Bùi Hoàng Hải cho biết, câu chuyên nâng hạng, duy trì thứ hạng phụ thuộc vào đánh giá của nhà đầu tư đối với trải nghiệm của nhà đầu tư trên thị trường chứ không phải trải nghiệm với cơ chế pháp luật. Do vậy, cơ quan quản lý đưa ra cơ chế pháp luật, câu chuyện duy trì hạng vẫn còn phụ thuộc vào DN trên thị trường.
“Nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ khẳng định vị thế, cải thiện thanh khoản, chất lượng thị trường chứng khoán Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Nâng hạng thị trường giúp cho sự tín nhiệm thị trường, tín nhiệm quốc gia được cải thiện. Nếu thị trường chứng khoán Việt Nam ở hạng cao sẽ nâng hạng được tín nhiệm quốc gia, thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội. Cơ quan quản lý Nhà nước đi đầu nhưng không đi một mình, cả thị trường chứng khoán không ai đi một mình, mà tất cả chúng ta đều phải đi, đi cùng nhau, UBCKNN, DN niêm yết các đơn vị truyền thông… Tất cả đều phải cùng đi, hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán trong thời gian sớm nhất".
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi
“Nhìn chung, chuyện từ nâng hạng từ cận biên lên mới nổi không chỉ là đổi tên, mà là thay đổi về chất và dòng vốn sẽ đến phần lớn từ các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài chuyên nghiệp. Nhằm nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư nước ngoài của các công ty chứng khoán (CTCK) trên thị trường, tất yếu các CTCK phải chuẩn bị nguồn lực lớn về vốn để hạn chế rủi ro thanh toán. Tại Việt Nam, chúng ta thấy rằng đa số các CTCK đều có kế hoạch tăng vốn trong năm 2024 và 2025, là bước chuẩn bị cho “cuộc chơi lớn” này. Ngoài ra, các CTCK sẽ phải nâng cấp hệ thống để kết nối trực tuyến với nhà đầu tư nước ngoài nhằm nâng cao năng lực thực thi lệnh”.
Giám đốc Khối phụ trách luật và Kiểm soát tuân thủ, Công ty Chứng khoán SSI Nguyễn Khắc Hải
“Để tiếp tục tăng sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán, Việt Nam đã và đang triển khai những giải pháp mang tính dài hạn, để thị trường chứng khoán của Việt Nam cải thiện tính minh bạch, tăng cường thông tin, dữ liệu cho nhà đầu tư nước ngoài, từ đó được đưa vào rổ chỉ số của thị trường mới nổi. Về phía Ngân hàng nhà nước, tôi đề xuất cần có cơ chế chia sẻ thông tin về quản lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại tạo điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài có những đánh giá khách quan về thị trường tài chính Việt Nam. Tôi tin tưởng sự chủ động chia sẻ, trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý với các tổ chức đầu tư sẽ hỗ trợ hiệu quả cho tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán của Việt Nam, theo đó, luồng vốn FDI sẽ tiếp tục được đầu tư vào thị trường Việt Nam trong thời gian tới”.
Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu kinh tế khu vực châu Á Thái Bình Dương (APAC) thuộc Deustche Bank Uri Juliana Lee