Ngày 25/4, trường Đại học Kinh tế Quốc dân (KTQD) phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia để đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022, đồng thời công bố ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2021 của Trường.
Rủi ro dịch bệnh, xung đột chiến tranh
Nghiên cứu của trường Đại học KTQD dự báo, triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022 có thể đứng trước nhiều thách thức lớn.
Thứ nhất, đại dịch Covid-19 với những biến chủng mới lây nhiễm mạnh, bất ổn chính trị thế giới leo thang cùng giá dầu tăng mạnh có thể khiến con đường hồi phục toàn cầu và của các nước bạn hàng lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc bị đe dọa; theo đó ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư tại Việt Nam.
Thứ hai, việc chính phủ và ngân hàng trung ương của các quốc gia lớn, đặc biệt là Mỹ, có động thái thắt chặt tiền tệ do lo ngại lạm phát tác động đến kinh tế, tài chính thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Đối với Việt Nam, dư địa các chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ hồi phục kinh tế sẽ bị thu hẹp hơn.
Thứ ba, những rủi ro bất ổn vẫn còn hiện hữu như tăng trưởng "nóng" trên thị trường bất động sản và chứng khoán. Cụ thể, dòng vốn tín dụng chưa đi vào khu vực sản xuất và đổ vào thị trường tài sản gây rủi ro tài chính; hệ thống ngân hàng còn nhiều chỉ tiêu chưa lành mạnh như chất lượng tín dụng giảm và nợ xấu gia tăng; sức ép lạm phát gia tăng....
"Những rủi ro này có thể tác động ngược trở lại đến khu vực kinh tế thực, ảnh hưởng đến tốc độ và chất lượng tăng trưởng", PGS.TS Tô Trung Thành - đại diện nhóm nghiên cứu trường Đại học KTQD phân tích.
Báo cáo đánh giá, diễn biến giá dầu tăng cao trong những tháng đầu năm 2022 đặt thêm những thách thức rất lớn đến kinh tế. Cho đến ngày 11/3/2022, trung bình giá xăng dầu tăng 41 % so với năm 2020 đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá tiêu dùng tăng 0,5%; chỉ số giá sản xuất tăng 2,2%", PGS.TS Tô Trung Thành cho hay.
Ngoài ra, xung đột giữa Nga- Ukraine làm tăng giá thực phẩm dầu thô, sắt gạo…, sự sụt giảm về nhu cầu và chuỗi cung ứng đứt gãy sẽ ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam
Ông Francois Painchaud - Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam chia sẻ, câu chuyện lạm phát dự báo còn tăng mạnh hơn ở nước kinh tế phát triển và đang phát triển. Tại rất nhiều quốc gia lạm phát trở thành vấn đề quan tâm lớn. Hoa Kỳ và 1 số quốc gia châu Âu lạm phát đã tăng ở mức cao nhất trong 40 năm trở lại đây.
“Thời điểm hiện tại có thể kiểm soát lạm phát dưới 4% nhưng vẫn còn rủi ro. Khi khủng hoảng xảy ra, giá tài sản và bất động sản tăng rất mạnh và các hoạt động đi kèm về định giá và kiểm giá chưa tốt. Dự báo GDP của Việt Nam đạt 6% năm 2022 và 7% năm 2023 nếu vẫn duy trì được bình thường hoá các hoạt động kinh tế thương mại, đầu tư” - Đại diện IMF tại Việt Nam phát biểu.
Chính sách tài khoá “chủ công” gói phục hồi kinh tế
Đánh giá cao chương trình hồi phục và phát triển kinh tế là rất quan trọng, ông Francois Painchaud cho rằng, chính sách tài khoá (giảm thuế, tăng đầu tư công) đóng vai trò quan trọng vừa hỗ trợ sự phục hồi tổng cầu vừa thúc đẩy tiêu dùng thông qua các chính sách giảm thuế.
“Hiện tại chính sách tiền tệ đang thể hiện khả năng hỗ trợ nhất định tuy nhiên bị giới hạn trong tương lai, rõ ràng NHNN cần thắt chặt hơn chính sách tiền tệ so với mục tiêu ban đầu. Do đó, chính sách tài khoá phải đi đầu hỗ trợ với chính sách tiền tệ trong việc hỗ trợ các hộ gia đình, DN tương lai” - ông Francois Painchaud khuyến nghị và nhấn mạnh: Trong ngắn hạn, phát triển phục hồi, trung hạn là tăng trưởng bền vững và bao trùm với huy động, nuôi dưỡng về nguồn thu, thuế… củng cố tài khoá cũng như sự linh hoạt của chính sách tiền tệ.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, tăng trưởng quý I đạt 5,3%, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5%, các quý còn lại chắc chắn phải tăng trưởng trên 6%. Có thể sử dụng các gói phục hồi kinh tế, nhưng ông Cung đặc biệt nhấn mạnh ở đầu tư công. Hiện nay, giải ngân nguồn vốn này vẫn chậm. Tuy Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, và đã có những ý kiến đề xuất thay đổi về biện pháp giải phóng mặt bằng, tuy nhiên vấn đề nằm ở từng dự án chứ không hẳn là vấn đề thể chế.
Bên cạnh đầu tư công, theo ông Nguyễn Đình Cung những động lực chính cho tăng trưởng vẫn là xuất khẩu và thúc đẩy tổng cầu. Tổng cầu nền kinh tế có tăng lên nhưng chưa đủ mức cao như những năm trước, đó là lý do giải thích lạm phát cao nhưng chỉ số CPI vẫn thấp. Về xuất khẩu, tuy các yếu tố bên ngoài tác động không thuận, nhưng TS Nguyễn Đình Cung tin rằng xuất khẩu năm nay vẫn đạt tốc độ tốt vì những thị trường chủ yếu của Việt Nam vẫn có nhu cầu lớn.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - TS Nguyễn Đức Hiển nhận định, trong điều kiện dư địa chính sách dần thu hẹp, các chính sách cần hướng nguồn lực ưu tiên đến khu vực DN, tạo điều kiện cho khu vực DN phục hồi và phát triển trong đại dịch; đặc biệt là những DN có ảnh hưởng lan tỏa lớn đến nền kinh tế. Về dài hạn, việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế đặt ra mạnh mẽ để chủ động thích ứng và có những bước đi phù hợp; đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực… trong bối cảnh mới.