Thách thức tăng trưởng xuất khẩu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tăng trưởng xuất khẩu (XK) đang có dấu hiệu chậm lại so với cùng kỳ năm ngoái, giá...

Kinhtedothi - Tăng trưởng xuất khẩu (XK) đang có dấu hiệu chậm lại so với cùng kỳ năm ngoái, giá nhiều mặt hàng vẫn tiếp tục đi xuống; kim ngạch nhập khẩu (NK) tháng 3 mặc dù tăng 37% so với tháng trước nhưng tính chung quý I lại giảm 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái..., là thông tin được Bộ Công Thương công bố tại buổi giao ban ngày 28/3.

Xuất siêu 776 triệu USD

Báo cáo của Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho thấy, trong tháng 3, kim ngạch XK của cả nước đạt 14,2 tỷ USD, tăng 40,6% so với tháng trước. Tính chung quý I, tổng kim ngạch XK đạt 33,8 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, XK của các DN có vốn đầu tư nước ngoài FDI (kể cả dầu thô) đạt 27 tỷ USD, tăng 5,8%; XK của khu vực DN trong nước ước đạt 10,8 tỷ USD, tăng 0,3%. XK có dấu hiệu tăng trưởng chậm trong khi giá nhiều mặt hàng vẫn tiếp tục đi xuống, trong đó giảm mạnh nhất là mặt hàng quặng và khoáng sản với mức giảm lên tới 44,6%, dầu thô giảm 41%, cao su giảm 21,5%, cà phê giảm 18,7%, phân bón các loại giảm 20%... so với cùng kỳ năm ngoái. 
Bốc xếp hàng xuất khẩu tại cảng Đình Vũ, Hải Phòng.
Bốc xếp hàng xuất khẩu tại cảng Đình Vũ, Hải Phòng.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch NK tháng 3 đạt 14,1 tỷ USD, tăng 37% so với tháng trước, đưa tổng kim ngạch NK chung của cả nước trong quý I đạt 37,1 tỷ USD, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đáng nói là trong khi kim ngạch của nhóm hàng cần NK đạt gần 32,5 tỷ USD, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái thì kim ngạch của nhóm hàng cần kiểm soát NK lại tăng 6,2% so với cùng kỳ...

Như vậy, trong quý I, cả nước xuất siêu 776 triệu USD, bằng 2% kim ngạch XK, tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công Thương, mức tăng trưởng này là thấp, đặc biệt kim ngạch XK của nhóm hàng công nghiệp chế biến có dấu hiệu chậm lại, chỉ ở mức 6,5% và thấp hơn nhiều so với mức tăng 8,5% của cùng kỳ năm ngoái.

Dồn vào các tháng tiếp theo

Từ những kết quả trong quý I, để đạt mức tăng trưởng 10% so với năm 2015 thì mỗi tháng, kim ngạch XK của cả nước phải đạt bình quân từ 14,7 - 14,8 tỷ USD, tức là tăng bình quân 1,3 tỷ USD so với bình quân năm 2015. Đây là thách thức mà theo lãnh đạo Bộ Công Thương, trong các tháng tiếp theo cần thực hiện nhiều giải pháp về thị trường, hỗ trợ tối đa cho DN tìm kiếm đơn hàng, đẩy mạnh XK. Đây cũng là thời gian các ngành chức năng cần hỗ trợ DN tận dụng lợi thế sản phẩm và kết quả thu được từ các hiệp định thương mại tự do vừa ký kết để khai thác sâu hơn các thị trường truyền thống và phát triển thị trường mới, cũng như đẩy mạnh triển khai công tác xúc tiến thương mại nhằm củng cố, phát triển thị trường và đạt mức tăng trưởng xuất khẩu đã đề ra trong năm 2016.

“Tích cực thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất, mở rộng thị trường nội địa và quốc tế, đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ DN...” là những giải pháp được Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đưa ra nhằm thúc đẩy sản xuất, thương mại, tích cực thực hiện các nhiệm vụ mà Chính phủ đã giao. Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Bộ NN&PTNT theo dõi sát tình hình nguồn nước tại các hồ chứa; bảo đảm điều tiết nước hợp lý để vừa đảm bảo phục vụ sản xuất điện, vừa đảm bảo nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt. Mặt khác, Bộ Công Thương có các giải pháp cụ thể để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp khai khoáng, trong đó khai thác dầu thô phấn đấu đảm bảo sản lượng khoảng 16 triệu tấn (tăng khoảng 2 triệu tấn so với kế hoạch 2016, nhưng vẫn thấp hơn 0,7 triệu tấn so với thực hiện 2015). Đồng thời, triển khai quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo để đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 13%. "Các đơn vị thuộc Bộ Công Thương cần bám sát tình hình trong và ngoài nước, tham mưu để lãnh đạo Bộ có các giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy XK trong thời gian tới" - Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh. 
Tại buổi giao ban, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, giá dầu tiếp tục duy trì ở mức thấp đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của PVN trong quý I. Cụ thể, giá dầu thô trung bình tháng 3 chỉ đạt 39,5 USD/thùng và mức giá trung bình của quý I chỉ khoảng 34,6 USD/thùng, bằng 57,7% giá kế hoạch (60 USD/thùng), do vậy tính đến hết quý I, tổng doanh thu toàn Tập đoàn chỉ đạt 74% kế hoạch quý I và nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 18.600 tỷ đồng, bằng 18% kế hoạch năm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần