Thách thức triển khai Luật An toàn, vệ sinh lao động

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 25/2, tại hội thảo tham vấn chuyên gia về thực thi Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), nhiều chuyên gia cho rằng sự gia tăng số lượng DN, cũng như các kỹ thuật công nghệ mới khiến việc triển khai Luật ATVSLĐ gặp thách thức.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Luật ATVSLĐ có hiệu lực từ 1/7/2016, gồm 7 chương, 93 điều. So với quy định tại Bộ Luật lao động, Luật ATVSLĐ có một số điểm mới. Phạm vi điều chỉnh của luật được mở rộng đối với tất cả các tổ chức, cá nhân có liên quan đến ATVSLĐ. Đối tượng áp dụng mở rộng đối với người lao động (NLĐ) làm việc không theo hợp đồng lao động. Đặc biệt, lần đầu tiên quy định NLĐ không có quan hệ lao động được tham gia bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện và có sự hỗ trợ của Nhà nước. Luật cũng quy định khuyến khích người sử dụng lao động tổ chức cho NLĐ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và NLĐ có sức khỏe kém được điều dưỡng phục hồi sức khỏe... Đồng thời cũng quy định mức đóng linh hoạt của người sử dụng lao động vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tối đa trên 1% trên tổng quỹ lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của NLĐ.

Tuy nhiên, khi triển khai luật sẽ gặp không ít thách thức. Trước hết là tình trạng chồng chéo, trùng lắp các quy định về ATVSLĐ trong các văn bản pháp luật. Việc mở rộng đối tượng điều chỉnh gây khó khăn cho việc quản lý, thực thi công tác ATVSLĐ. Theo Thanh tra Bộ LĐTB&XH, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật lao động, đặc biệt trong lĩnh vực ATVSLĐ của người sử dụng lao động và NLĐ chưa cao. Hầu hết các DN vừa và nhỏ chưa chú trọng đầu tư cho công tác ATVSLĐ. NLĐ mới chuyển từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp chưa quen với tác phong mới và bị hạn chế về kỷ luật lao động. Trong khi đó, các cấp huyện, xã, phường chưa có bộ máy đào tạo, trang bị kiến thức kỹ năng để thực hiện các nhiệm vụ  theo luật quy định.

Đại diện Văn phòng giới chủ sử dụng lao động (VCCI) đề nghị một số điều trong luật cần được hướng dẫn, quy định cụ thể. Để Luật ATVSLĐ thực sự đi vào cuộc sống, ông Đặng Văn Khánh - Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam khuyến nghị tuyên truyền, phổ biến tới tất cả NLĐ về ATVSLĐ; huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ khu vực không có quan hệ lao động; tư vấn pháp luật miễn phí cho NLĐ...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần