Thách thức trong tiết kiệm năng lượng đòi hỏi giải pháp sử dụng hiệu quả

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hệ thống hành lang pháp lý có nhưng vẫn đầy thách thức, đòi hỏi các giải pháp nhất là tuyên truyền tiết kiệm năng lượng… để nâng cao hiệu quả sử dụng đã được các chuyên gia, nhà quản lý gợi mở, trao đổi thông tin.

Đó là nội dung chính của Diễn đàn “Tiết kiệm năng lượng: Từ hoạch định chính sách quốc gia đến hành động thực tế”, do Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) phối hợp với trường Đại học Điện lực, Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam tổ chức ngày 25/10.

Các diễn giả chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên
Các diễn giả chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên

Nhiều chính sách nhưng chưa đồng bộ

Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam xác định tiết kiệm năng lượng là một trong những trụ cột quan trọng trong phát triển bền vững và cần được coi như “nguồn năng lượng đầu tiên”, “kinh tế nhất”, “rẻ nhất” để tăng cường nguồn cung năng lượng; góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng Đặng Hải Dũng cho biết, vấn đề an ninh năng lượng, lạm phát tăng cao đã ảnh hưởng đến tất cả quốc gia. Hiện Việt Nam đã có nhiều văn bản ban hành như: Quyết định số 79, Quyết định số 280, Nghị quyết số 55…

Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng Đặng Hải Dũng. Ảnh: Khắc Kiên
Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng Đặng Hải Dũng. Ảnh: Khắc Kiên

Đặc biệt, sau Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (ban hành năm 2010), một hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn có trên 60 quy chuẩn, tiêu chuẩn quản lý các thiết bị công nghiệp, gia dụng với 26 thiết bị, phương tiện…

Theo Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA) Nguyễn Đình Hiệp, mặc dù các văn bản pháp luật nhiều nhưng chưa đồng bộ. Do vậy, Nghị quyết 55 yêu cầu phải sớm xây dựng chính sách đồng bộ với các chế tài cụ thể, nhằm đạt được những mục tiêu về tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 7% vào năm 2030, và khoảng 14% vào năm 2045. 

Đồng thời, giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 15% vào năm 2030, lên mức 20% vào năm 2045.

Ông Đặng Hải Dũng chỉ ra, Việt Nam đã phải nhập khẩu than cho sản xuất điện từ năm 2015, nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc… Bên cạnh đó, tại các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam cũng yêu cầu sản phẩm được nhập khẩu phải đảm bảo các tiêu chí về môi trường, giảm CO2 trên từng sản phẩm, phải sử dụng năng lượng sạch trong quá trình sản xuất.

Chưa kể đến, trước các vấn đề về khủng hoảng năng lượng trên thế giới, yêu cầu đặt ra cho Việt Nam là làm sao để giảm phụ thuộc của nền kinh tế vào năng lượng… để xuất khẩu được phải tuân thủ “luật chơi” của thị trường quốc tế.

Dưới góc độ ở nhà trường, theo TS Dương Trung Kiên - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Điện lực, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là trách nhiệm của mọi người, trong đó có các sinh viên.

“Trong quá trình đào tạo, các sinh viên được trang bị kiến thức về công nghệ mới, các cách thức để làm sao để sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như trong việc sử dụng vận hành thiết bị, vật liệu nào giúp tiết kiệm điện…” - TS Dương Trung Kiên chia sẻ.

Bài toán khó đầy thách thức

Liên quan đến quản lý Nhà nước, ông Đặng Hải Dũng cho biết, đó là nguồn nhân lực còn hạn chế, dù hiện đang có 52 quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, nhưng lại thiếu quy định đối với các loại hình này. Do vậy, chất lượng đào tạo phải được chuẩn hóa ở mức khu vực và quốc tế.

Phát triển điện gió sẽ giúp tái tạo năng lượng. Ảnh: Nguyên Dương
Phát triển điện gió sẽ giúp tái tạo năng lượng. Ảnh: Nguyên Dương

Thực tế, Chương trình VNEEP 1 đã tiết kiệm được khoảng 4%, VNEEP 2 được trên 6% nhiều sản phẩm được dán nhãn. Tuy nhiên, kết quả chưa xứng đáng với tiềm năng, do trong quá trình triển khai có nhiều vướng mắc, mà yêu cầu phải sửa luật, nhất là vấn đề chế tài và quy định các đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm phải thực hiện kiểm toán, nhiều bộ ngành chưa quan tâm đến công tác tiết kiệm năng lượng…

Vì vậy, khi sửa luật, các bộ, ngành liên quan phải tăng cường phân cấp, phân quyền; các cơ sở sử dụng năng lượng trong tất cả lĩnh vực phải thực thi đầy đủ hơn, nghiêm túc hơn quy định của pháp luật về tiết kiệm năng lượng; Nguồn nhân lực thời gian đầu triển khai gần như không có, phải nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế..

Tiềm năng tiết kiệm năng lượng của Việt Nam là rất lớn, song do công nghệ còn thấp đòi hỏi cải thiện trọng tâm, có hướng dẫn cụ thể, nhất là nguồn kinh phí để thực hiện. Đây là bài toán khó Việt Nam cần lời giải.

“Bài toán ở đây là nguồn nhân lực, thời điểm này nguồn nhân lực về tư vấn của chúng ta chưa tốt, cho nên công tác tư vấn và kết quả đạt được chưa cao khi áp dụng các giải pháp được tư vấn” - TS Dương Trung Kiên nói.

Giải pháp căn cơ

Luật đưa ra các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm bắt buộc phải thực hiện, hiện có hơn 3.000 doanh nghiệp chiếm khoảng 38% tổng năng lượng toàn xã hội còn lại là khuyến khích, sắp tới luật sửa đổi theo hướng mở rộng đối tượng bắt buộc phải thực hiện (chiếm 75 - 80%) mức năng lượng của toàn xã hội.

Ngoài ra, bổ sung thêm các sản phẩm phải dán nhãn năng lượng. Tuy nhiên các sản phẩm dán nhãn càng nhiều sao chi phí lại càng đắt, nên cần có thời gian để người dân làm quen và điều chỉnh dần hành vi sử dụng thiết bị điện và điện.

Ông Đặng Hải Dũng thông tin thêm, hiện chúng ta có 12 quyết định của Thủ tướng, 26 thông tư, trên 50 quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến 26 chủng loại sản phẩm, thiết bị… Việc mở rộng sản phẩm dán nhãn là góp phần nâng cao công tác quản lý cũng như giúp cho công tác tiết kiệm năng lượng đạt hiệu quả cao hơn.

Bộ Công Thương đang tiến hành rà soát, sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đã có những đề xuất để đưa cơ chế hỗ trợ về tiết kiệm năng lượng, trong đó có cơ chế ưu đãi về thuế, tài chính cho các dự án tiết kiệm năng lượng trong việc sửa đổi luật, cũng như thí điểm thành lập Quỹ tiết kiệm năng lượng để thúc đẩy đầu tư dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

“Giải pháp thời gian tới đòi hỏi công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và khuyến khích doanh nghiệp thực hiện cải tạo dây chuyền công nghệ, đầu tư các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hướng tới sản xuất sạch, xanh là cần thiết và phù hợp” - TS Dương Trung Kiên nhấn mạnh.

 

Tại Diễn đàn, chuyên gia cũng đã trả lời các câu hỏi của sinh viên trường Đại học Điện lực về những vấn đề như: Nhãn năng lượng, Giờ Trái đất, cách đánh giá sản phẩm dán nhãn năng lượng, hiệu suất năng lượng, công tác kiểm toán năng lượng…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần