Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình, đến 11 giờ ngày 4/9, trên địa bàn tỉnh có tổng số 995 tàu, thuyền với 2.950 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó có 255 phương tiện với 682 lao động đang hoạt động ven biển Thái Bình; 41 phương tiện với 235 lao động hoạt động ngoài tỉnh; 674 phương tiện với 1.823 lao động đã vào neo đậu tại các bến trong tỉnh; 25 phương tiện với 198 lao động đã vào neo đậu tại các bến ngoài tỉnh. Tất cả những phương tiện trên đều liên lạc được với gia đình, không có phương tiện hoạt động nào ở vùng nguy hiểm.
Toàn tỉnh có 681 lồng, bè trên sông (trong đó huyện Hưng Hà nhiều nhất với 275 lồng, huyện Quỳnh Phụ có 213 lồng) và có 1.129 bè nuôi hàu cửa sông (Tiền Hải có 1.120 bè, Thái Thụy 9 bè); hơn 2.300 chòi canh ngao, ao, đầm vùng nuôi trồng thủy, hải sản ven sông, ven biển tập trung ở các huyện Hưng Hà, Tiền Hải, Thái Thụy.
Đến ngày 3/9, diện tích lúa mùa toàn tỉnh gieo cấy 74.327 ha. Diện tích lúa mùa đã trổ bông khoảng 25.000 ha. Diện tích cây màu hè thu đã thu hoạch 4.585 ha đạt 53,2% diện tích cây màu hè thu đã trồng.
Sau khi nghe lãnh đạo các sở, ngành, địa phương báo cáo tại cuộc họp, đồng chí Lại Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình nhận định: đây là một trong những cơn bão mạnh nhất năm 2024 hoạt động trên Biển Đông, có khả năng sẽ đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh Bắc Bộ với cường độ rất mạnh. Vì vậy, mỗi địa phương, đơn vị cần phải sẵn sàng, chủ động và bám sát chỉ đạo của cấp trên, nhất là Công điện số 86/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các công điện của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trước diễn biến phức tạp của bão.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các cấp, các ngành trong tỉnh, đặc biệt là các cơ quan truyền thông đại chúng tập trung tuyên truyền, thông tin tình hình, diễn biến và cấp độ của cơn bão số 3 ở từng thời điểm; thông tin chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và các hoạt động phòng, chống, ứng phó với bão ở các địa phương. Chủ động liên lạc, tuyên truyền, vận động ngư dân, lao động làm ăn trên biển, nhất là lao động trên các tàu thuyền đang hoạt động ngoài tỉnh, các hộ gia đình sinh sống tại vùng nguy hiểm vào nơi tránh trú bão an toàn, bảo đảm tính mạng, tài sản của Nhân dân.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, các ngành chức năng của tỉnh, các huyện, thành phố chủ động kiểm tra, đôn đốc và có phương án, kịch bản bảo đảm an toàn hạ tầng đê điều, công trình giao thông, xây dựng, khu công nghiệp theo phương án "4 tại chỗ", đặc biệt lưu ý bảo đảm an toàn tại các điểm xung yếu trọng điểm trước, trong và sau khi bão đổ bộ vào đất liền.