Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thái Bình: Chùa Keo không kinh doanh thực phẩm, không kêu gọi quyên góp, ủng hộ

Vĩnh Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 29/11, UBND huyện Vũ Thư, Thái Bình thông tin hiện trên MXH facebook đang lan truyền hình ảnh “cá kho niêu chùa Keo” khiến nhiều người nhầm tưởng đây là sản phẩm do nhà chùa làm ra để kinh doanh.

Sau khi tiếp nhận thông tin trên, cơ quan chức năng của địa phương đã tìm hiểu và xác định sản phẩm này là do một hộ dân tại xã Duy Nhất làm và kinh doanh. Chính quyền địa phương đã trao đổi, gặp gỡ giải thích về việc không nên tự ý sử dụng hình ảnh, biểu tượng Di tích lịch sử để quảng cáo sản phẩm cá nhân khi chưa được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền là trái quy định pháp luật, hộ gia đình này đã tự nguyện gỡ toàn bộ nội dung đăng trên Facebook. 

Đồng thời giao nộp lại số thẻ quảng cáo đã in cho công an xã và cam kết không lặp lại hành vi này.

Người đàn ông mạo nhận là chư tăng chùa Keo, Thái Bình đi xe máy đến nhà dân gieo duyên và kêu gọi quyên góp ủng hộ (Ảnh cắt từ video)
Người đàn ông mạo nhận là chư tăng chùa Keo, Thái Bình đi xe máy đến nhà dân gieo duyên và kêu gọi quyên góp ủng hộ (Ảnh cắt từ video)

Theo lãnh đạo huyện Vũ Thư, Thái Bình trên địa bàn hiện chỉ có 2 sản phẩm được cấp quyền sử dụng tên, biểu tượng chùa Keo để quảng bá, kinh doanh là hương bài và nụ trầm do Tổ đình chùa Keo trực tiếp sản xuất, kinh doanh.

Chùa Keo không kinh doanh "cá kho". 
Chùa Keo không kinh doanh "cá kho". 

Trao đổi về nội dung nói trên, Trụ trì chùa Keo Thích Thanh Quang cho biết thời gian gần đây nhà chùa liên tục nhận được thông tin, hình ảnh về việc tại khu vực thành phố Thái Bình cùng một số huyện lân cận có người nhận là chư tăng tại nhà chùa đến để gieo duyên, kêu gọi ủng hộ ban phúc, bán nhang, tặng bùa chú bình an...

Trụ trì Thích Thanh Quang khẳng định nhà chùa không tổ chức cho các chư tăng hay đệ tử đi xin tiền quyên góp xây dựng chùa, bán nhang hay ban phúc, bán các đồ vật tâm linh bởi điều này làm giảm đi uy tín, đức hạnh của người xuất gia tu hành.

Những người tự xưng là chư tăng hoặc đệ tử của chùa Keo đi làm những công việc trên là hoàn toàn giả mạo, có dấu hiệu lừa đảo, lợi dụng lòng tin của phật tử hòng chiếm đoạt tài sản

"Nhà chùa đã thông báo rộng rãi, rất mong quý vị phật tử xa gần không bị lợi dụng làm ảnh hưởng đến hình ảnh, nét đẹp của người xuất gia chân chính" - trụ trì Thích Thanh Quang cho biết.

Được biết, chùa Keo là một trong những ngôi chùa cổ nổi tiếng ở Việt Nam được công nhân Di tích quốc gia đặc biệt năm 2012. Trong chùa còn những đồ thờ cúng tương truyền là của Thiền sư Không Lộ như: Bộ tràng hạt bằng ngà, một bình vôi to và ba vỏ ốc được cho là do Thiền sư Không Lộ nhặt khi còn làm nghề đánh cá và giữ làm chén uống nước trong những năm tháng tu hành sau này. Đến nay chùa Keo vẫn giữ nguyên bản sắc kiến trúc độc đáo với gác chuông có bộ mái kết cấu gần 100 đàn đầu voi…