Bản dự thảo hiến pháp mới có liên quan mật thiết tới hệ thống chính trị cũng như con đường phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia Đông Nam Á này trong tương lai. Đây cuộc trưng cầu dân ý thứ 2 về hiến pháp mới tại đất nước xứ Chùa vàng. Nếu được thông qua nó sẽ là bản hiến pháp thứ 20 trong lịch sử lập hiến của Thái Lan từ năm 1932. Lần trưng cầu dân ý về hiến pháp đầu tiên vào năm 2007, một năm sau cuộc đảo chính quân sự lật đổ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Người dân Thái Lan tới bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý kiến về bản Hiến pháp mới. |
Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC) dự kiến các điểm bỏ phiếu sẽ đóng cửa lúc 16 giờ và đến 21 giờ ngày 7/8 sẽ có kết quả kiểm 95% số phiếu trong khi kết quả chính thức sẽ được công bố trong vòng 3 ngày sau đó. EC cũng dự kiến 80% tức khoảng 40,4 triệu trên tổng số 50,5 triệu cử tri nước này sẽ tham gia bỏ phiếu.
Kết quả thăm dò của Viện Phát triển Hành chính quốc gia (NIDA) cũng cho thấy dù có đến hơn 80% số người dân Thái Lan được hỏi nói rằng họ sẽ tham gia bỏ phiếu. Để đảm bảo an ninh cho cuộc bỏ phiếu, nhà chức trách Thái Lan đã triển khai hàng trăm nghìn nhân viên Bộ Nội vụ cùng binh lính và cảnh sát trên phạm vi toàn quốc. Ở cấp huyện và cấp tỉnh đều cũng đã được thành lập các trung tâm gìn giữ hòa bình do huyện trưởng và tỉnh trưởng đứng đầu.
Người dân Tỉnh Pathum Thani - một tỉnh ở miền Trung Thái Lan tham gia bỏ phiếu. |
Trước đó, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã một lần nữa khẳng định cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức như kế hoạch trong năm 2017 bất chấp kết quả của cuộc trưng cầu dân ý về bản dự thảo hiến pháp.
Tại TP phía đông bắc của Khon Kaen, khoảng 50 cử tri Thái Lan đang xếp hàng để bỏ phiếu bên ngoài hội trường của chính quyền TP – nơi được xây dựng lại sau khi bị lực lược phe Áo đỏ đốt cháy trong tình trạng bất ổn chính trị vào năm 2010. “Tôi muốn nhìn thấy sự công bằng và chính quyền sẽ tìm cách để chiến đấu với nạn tham nhũng ở đất nước này’, một người dân đang chờ bỏ phiếu cho biết.