Chính sách mua gạo từ nông dân với giá cao hơn thị trường 50% được áp dụng cả năm qua của Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã làm ảnh hưởng tới tính cạnh tranh của mặt hàng xuất khẩu này, dự kiến sẽ khiến kim ngạch giảm một nửa trong năm 2012.
“Đây là năm tồi tệ nhất mà chúng tôi từng trải qua” - Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, nói. “Chúng tôi đang đánh mất thị phần vào tay các đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là những nước mới tham gia thị trường như Campuchia và Myanmar, hiện đang sản xuất ngày càng nhiều gạo xuất khẩu.”
Thái Lan sản xuất khoảng 20 triệu tấn gạo mỗi năm tính trung bình, một nửa số đó được bán ra nước ngoài (Nguồn: AFP)
Gạo là loại lương thực chủ yếu của hơn ba tỉ người, chiếm gần một nửa dân số thế giới. Năm ngoái Thái Lan chiếm gần một phần ba thị trường xuất khẩu gạo toàn cầu. Nhưng thị phần đó đang giảm xuống còn không tới một phần năm vào năm 2012, theo số liệu từ Cơ quan nông nghiệp Mỹ (USDA). USDA cũng dự báo Thái Lan sẽ tụt lại phía sau các đối thủ xuất khẩu chính là Việt Nam và Ấn Độ.
Thái Lan sản xuất khoảng 20 triệu tấn gạo mỗi năm tính trung bình, một nửa số đó được bán ra nước ngoài. Tuy nhiên, năm nay các nhà xuất khẩu ước tính chỉ xuất được 6,5 triệu tấn, theo hiệp hội và USDA. Với các nhà kho ngày càng chật chội, Thái Lan không còn chỗ chứa gạo không bán được và thậm chí xem xét sử dụng một nhà để máy bay ở sân bay số hai của Bangkok, Don Mueang.
Chính quyền càng tích trữ nhiều gạo lâu thì chi phí sẽ lại càng lớn, nhưng các chuyên gia cảnh báo nếu Thái Lan từ bỏ chương trình mua gạo của nông dân lúc này, thị trường có thể trở nên quá tải về cung.
“Họ đang mắc kẹt vì cứ phải giữ mãi số gạo này, nếu không giá gạo sẽ giảm và khi đó họ sẽ gặp những vấn đề chính trị”, Ammar Siamwalla, một kinh tế gia thuộc Viện nghiên cứu phát triển Thái Lan (TDRI), phân tích. “Việt Nam và Ấn Độ đang xoa tay khoan khoái. Họ tận dụng việc chúng tôi đã giảm mạnh lượng xuất khẩu của mình.”
Nếu Thái Lan tìm cách đổ gạo ra thị trường thế giới lúc này, “giá sẽ hạ rất thấp”, Ammar cảnh báo. “Chúng tôi không có một chiến lược lối thoát hữu hiệu”.
Ông ước tính Thái Lan hiện còn khoảng 10 triệu tấn gạo tồn kho. USDA thì dự báo tổng lượng gạo dự trữ của Thái Lan sẽ là vào khoảng 9,4 triệu tấn tới cuối năm 2012 và 12,1 triệu tấn trong năm 2013.
Nông dân hoan nghênh, chính phủ chịu sức ép
Trung Quốc và Ấn Độ cũng có kho gạo rất lớn, nhưng sản xuất và tiêu thụ trong nước của họ đều cao hơn rất nhiều. Chương trình mua gạo của nông dân đang gây sức ép lớn lên tài chính của chính phủ, dù được nhiều nông dân hoan nghênh. Họ cũng là những người đã bỏ lá phiếu giúp bà Yingluck giành được chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử năm ngoái.
Anh trai bà, ông Thaksin Shinawatra, thủ tướng bị lật đổ sau cuộc đảo chính của những viên tướng bảo hoàng vào năm 2006, rất nổi tiếng ở những vùng nông thôn nghèo khó tại Thái Lan nhờ vào các chính sách dân túy khi còn tại vị.
“Tôi muốn chương trình của nhà nước tiếp tục vì ít ra, nó giúp nông dân chúng tôi bán gạo với giá cao,” Supoj Joopia, hiện có 9,6 hecta đất trồng lúa ở tỉnh Chachoengsao, phía đông Bangkok, nói. Ông cho biết thu nhập từ trồng lúa đã tăng hơn một nửa lên 780.000 baht (25.000 USD) kể từ khi tham gia chương trình.
Tại Thái Lan có khoảng bốn triệu hộ nông dân tham gia ở mức độ khác nhau vào canh tác nông nghiệp, trong đó 900.000 hộ đã tham gia chương trình, theo TDRI. Chính sách này đặc biệt mang lại lợi ích cho chủ các cánh đồng lớn do họ có số gạo dư nhiều để bán cho chính quyền sau khi tự tiêu thụ. Nhưng chương trình cũng bị cáo buộc là để xảy ra nhiều thất thoát, tham nhũng.
Chính phủ Thái Lan khẳng định hoàn toàn tự tin có thể tìm ra khách hàng mua gạo trên các thị trường quốc tế ở một mức giá giúp cải thiện điều kiện sống cho người nông dân. Chính quyền cũng thông báo đã ký các hợp đồng bán gạo trực tiếp cho một số nước. Nigeria, Iraq, Indonesia, Bờ Biển Ngà và Nam Phi là những khách hàng chính trong năm nay, theo Hội đồng thương mại Thái Lan, nhưng kim ngạch xuất khẩu gạo đã giảm 45% giai đoạn tháng 1/9 so với cùng kỳ năm trước, ở mức khoảng 5,0 triệu tấn.
“Chúng tôi vẫn tự tin có thể bán được số gạo đang tích trữ,” Bộ trưởng thương mại Boonsong Teriyapirom nói đầu tháng này. Nhưng không phải ai cũng lạc quan như vậy giữa lo ngại Thái Lan có thể gặp khó khăn trong việc giành lại thị phần đã mất. “Nếu tình hình tiếp tục, nhiều nhà xuất khẩu sẽ phá sản,” Chookiat nói.