Thái Lan: Người dân lo giá cả hàng hóa leo thang

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cho dù nước lũ đang rút dần, nhưng nhân dân tại nhiều tỉnh thành của Thái Lan vẫn chưa hết lo âu vì vừa phải chống chọi với nguy cơ bùng phát dịch bệnh, vừa cố khôi phục mọi hoạt động trong tình trạng giá cả hàng hóa leo thang do ảnh hưởng của trận lũ lụt tồi tệ nhất trong 50 năm qua.

Với gần 100 tuyến đường hay đoạn đường và bảy khu công nghiệp quan trọng ở xứ chùa Vàng vẫn đang ngập nước, người tiêu dùng Thái bắt đầu cảm nhận được những tác động bất lợi của làn sóng nhu yếu phẩm tăng giá mạnh.

Giá các mặt hàng thiết yếu tăng lên trong những tuần qua là do có tới khoảng 20.000 nhà máy, cơ sở sản xuất phải tạm thời ngừng hoạt động, việc vận chuyển hàng hóa bị gián đoạn, tư tưởng của người lao động bị phân tâm do nhà cửa của họ vẫn chìm trong lũ lụt.

Lũ lụt đã gây ảnh hưởng nặng nề cho gần 1.000 nhà máy tại bảy khu công nghiệp tại tỉnh Ayutthaya và Pathum Thani, với mức thiệt hại khoảng 4,5 tỷ USD.

Sản lượng ôtô của Thái Lan năm nay khó có thể đạt được 1,7 triệu chiếc, do tác động của lũ lụt sau khi đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi trận động đất tại Nhật Bản hồi tháng Ba.

Trong lĩnh vực hàng điện tử, theo hãng dữ liệu quốc tế IDC (International Data Corporation), lũ lụt tại Thái Lan sẽ tác động trực tiếp tới tình hình buôn bán máy tính cá nhân từ nay tới nửa đầu năm 2012, do có tới hơn 10 nhà máy sản xuất ổ đĩa cứng (HDD) đang tạm ngừng hoạt động. Trong sáu tháng đầu năm nay, Thái Lan chiếm tới 40-45% sản lượng HDD của thế giới.

Tuy các hãng Nestle, Toshiba và một số doanh nghiệp khác cam kết sẽ cố gắng càng lâu càng tốt không nâng giá, nhưng nhiều nhà sản xuất ôtô và những sản phẩm khác chắc sẽ “san sẻ” gánh nặng cho người tiêu dùng.

Lý do được đưa ra là chi phí vận chuyển và dịch vụ hậu cần gia tăng do giao thông bằng đường bộ gần như bị tê liệt trong vùng lũ lụt, cộng với việc họ phải mua nhập thêm linh kiện hay hàng hóa tiêu dùng khác.

Trong lúc chính quyền thành phố ban lệnh sơ tán tại một số khu vực thuộc một phường của quận Bang Khun Thian ở phía Tây Bangkok ngày 13/11, cư dân ở gần Quốc lộ Rama 2 dự kiến sẽ đề nghị Chính phủ Thái Lan nói rõ lộ trình giải quyết lũ lụt vốn đang đe dọa cuộc sống của họ.

Hàng trăm người dân tại quận Đôn Mương bị chìm trong nước khoảng ba tuần nay đã tỏ thái độ bức xúc và gỡ bỏ các bao cát ở tuyến đê bao được dựng lên nhằm ngăn nước lũ tràn vào nội đô.

Động thái này diễn ra bất chấp việc Thủ tướng Yingluck Shinawatra nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ tuyến đê bao trong một số ngày nữa và chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc bơm tháo nước lụt ra biển.

Hiện vẫn còn rất nhiều quận, huyện thuộc Bangkok và 23-24 tỉnh thành khác tại miền Bắc và miền Trung Thái Lan bị ngập lụt, ảnh hưởng đến cuộc sống của khoảng 2,8 triệu người.

Hoạt động cung cấp và xuất khẩu của Thái Lan sẽ bị khốn đốn hơn nữa nếu có thêm Lat Krabang và một số khu công nghiệp khác bị nước lũ tấn công.

Theo Bộ trưởng Công nghiệp Wannarat Channukul, khi nước lụt rút bớt dần, công tác dọn dẹp vệ sinh và chuẩn bị khôi phục sản xuất đã bắt đầu được tiến hành tại bốn khu công nghiệp lớn tại tỉnh Ayutthaya.

Đến nay có ít nhất 12/93 nhà máy chế tạo ở khu công nghiệp Factory Land tại tỉnh đã nối lại hoạt động.

Dự kiến Sân bay Don Mueang, vốn đã phải tạm đóng cửa kể từ ngày 25/10 sau khi nước lũ ngập tràn tới các đường băng, sẽ hoạt động trở lại sau 60 ngày tới./.