Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thẩm định Đề án “Giám sát tài nguyên và môi trường bằng công nghệ viễn thám”

Hà Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, Chủ tịch Hội đồng đã chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định Đề án “Giám sát tài nguyên và môi trường bằng công nghệ viễn thám”, với sự tham dự của các thành viên Hội đồng là chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý có kinh nghiệm trong lĩnh vực viễn thám.

 Toàn cảnh cuộc họp
Báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Quốc Hưng - Phó Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia cho biết, Đề án “Giám sát tài nguyên và môi trường bằng công nghệ viễn thám” do Cục Viễn thám quốc gia chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện trong 5 năm (từ 2020 - 2024) trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam, nhằm đẩy mạnh ứng dụng viễn thám trong quản lý, giám sát tài nguyên và môi trường phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, đưa công nghệ viễn thám trở thành một công cụ hiệu quả, thường xuyên, cho phép cung cấp thông tin chi tiết, chính xác và cập nhật về hiện trạng tài nguyên và môi trường trên lãnh thổ Việt Nam.
Đề án nhằm giám sát tài nguyên, môi trường trên lãnh thổ Việt Nam bằng công nghệ viễn thám cho các lĩnh vực: Khí tượng thuỷ văn, biển và hải đảo, môi trường, địa chất và khoáng sản, đất đai, biến đổi khí hậu, tài nguyên nước; đồng thời cung cấp thông tin cập nhật về hiện trạng, diễn biến khai thác, sử dụng tài nguyên và môi trường, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước; xây dựng được cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám dùng chung chi tiết, chính xác và cập nhật phục vụ cho công tác giám sát tài nguyên và môi trường.
Bên cạnh hoạt động thu nhận, xử lý dữ liệu ảnh viễn thám phục vụ giám sát tài nguyên và môi trường, Đề án sẽ tập trung vào triển khai các hoạt động giám sát bằng công nghệ viễn thám cho các lĩnh vực; quan trắc, theo dõi thường xuyên một số yếu tố tài nguyên và môi trường bằng công nghệ viễn thám; và xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu thông tin không gian phục vụ giám sát tài nguyên và môi trường.
Tại cuộc họp, các thành viên đều nhấn mạnh đến tính cấp thiết của việc thực hiện Đề án và cho rằng công tác giám sát, bảo vệ tài nguyên và môi trường đang là nhiệm vụ cấp bách; công nghệ viễn thám sẽ phát huy được hiệu quả trong giám sát tài nguyên, môi trường quá khứ, hiện tại và trong tương lai.
Các thành viên của Hội đồng đánh giá, mục tiêu của Đề án đã đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nội dung và giải pháp Đề án đưa ra đầy đủ cơ sở pháp lý cũng như phương pháp luận khoa học và thực tiễn, đã và đang áp dụng thành công tại nhiều quốc gia phát triển…
Bên cạnh đó, các thành viên Hội đồng thẩm định đã tham gia đóng góp ý kiến hoàn thiện cho Đề án, tập trung vào việc ứng dụng công nghệ viễn thám trong kiểm kê, giám sát biến động đất đai khu công nghiệp, đất đai trồng lúa, giám sát quy hoạch sử dụng đất (cấp quốc gia, cấp tỉnh); giám sát ô nhiễm nước, không khí, khí tượng thuỷ văn, biển và hải đảo;…
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, Chủ tịch Hội đồng đánh giá cao những ý kiến đóng góp tâm huyết và thiết thực của các thành viên Hội đồng, đồng thời đề nghị Cục Viễn thám quốc gia tiếp thu các ý kiến góp ý tại cuộc họp, chủ động trao đổi để thống nhất các nội dung cần chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện Đề án trình Chính phủ đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng tốt nhất.
Đánh giá cao ý nghĩa của Đề án sẽ góp phần quản lý, giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường, nâng cao khả năng chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững đất nước, vì vậy, để đảm bảo chất lượng, hiệu quả tốt nhất của Đề án, Thứ trưởng đề nghị đơn vị chủ trì xây dựng Đề án cần rà soát lại mục tiêu, nội dung và giải pháp của Đề án. Bên cạnh việc đảm bảo các nội dung liên quan đến công nghệ viễn thám thì cần phải tuân theo các quy định nhằm cung cấp thông tin chi tiết cập nhật cho các lĩnh vực kinh tế - xã hội có liên quan đều có thể khai thác, sử dụng cũng như tạo nên một cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường được sử dụng lâu dài, sử dụng chung trong cộng đồng…