Theo chia sẻ mới đây của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc: Từ đầu năm đến nay, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã khiến nhiều DN xuất khẩu của Việt Nam gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, thông qua EVFTA, các DN dệt may, giày dép, thủy sản đã ký kết nhiều hợp đồng xuất khẩu số lượng lớn. Có thể nói EVFTA mang lại niềm tin và cơ hội hiếm hoi cho DN xuất khẩu trong dịch Covid-19.
Thực tế hoạt động thu hút vốn FDI thời gian qua cho thấy, thị trường EU là một phần của các chuỗi giá trị toàn cầu trong nhiều lĩnh vực sản phẩm, ở nhiều khâu như thiết kế, sản xuất, marketing, phân phối, tái chế… “Lợi thế kết nối với FDI của EU là khả năng tiếp cận, chia sẻ các lợi thế trong chuỗi giá trị toàn cầu của các đối tác EU như công nghệ, dữ liệu, nguồn thông tin, kỹ năng và mạng lưới. Trong bối cảnh hiện nay, thu hút FDI quan trọng nhất chính là công nghiệp hỗ trợ. Đây là tiềm năng, cơ hội vừa sức với chất lượng cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực của Việt Nam hiện tại…” - Giám đốc Trung tâm WTO và Trung tâm thương mại quốc tế (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang chia sẻ.
Những cảnh báo đối với DN Việt
Mặc dù Hiệp định EVFTA tạo ra nhiều cơ hội cho DN Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị, song cũng đặt ra nhiều thách thức. Theo một nghiên cứu của JETRO cho thấy, hiện, DN Nhật Bản tại Việt Nam mua khoảng 32,4% các hàng hóa, dịch vụ đầu vào từ các nhà cung cấp Việt Nam. Trong khi đó tại Trung Quốc là 67,8%, Thái Lan 57,1%, và Indonesia 40,5%. Ngoài ra doanh thu trung bình của DN chế tạo Việt Nam chỉ đạt 2,9 triệu USD/năm, trong khi muốn tham gia vào thị trường EU cần doanh thu tối thiểu 5 triệu USD/năm.
Một thực tế cần cảnh báo là trình trạng đã có những DN Việt Nam bằng lòng với việc tham gia chuỗi giá trị ở công đoạn giá trị thấp, không sẵn sàng đầu tư khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Ngô Chung Khanh cho rằng: Nếu ví EVFTA như đường cao tốc nhưng không phải mọi DN cũng muốn đi “cao tốc”. Nguyên nhân là do DN thấy đi quốc lộ cũ có thể đáp ứng điều kiện của họ thì sẽ không chấp nhận trả phí để đi cao tốc nhanh hơn.
Để tận dụng được cơ hội từ EVFTA khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) Nguyễn Đình Cung nêu rõ: DN Việt Nam phải lớn mạnh thì chúng ta mới có đối tác đầu tư nước ngoài tin cậy, bình đẳng. Nhưng để làm được điều này đòi hỏi Nhà nước nên rỡ bỏ những rào cản về chính sách, thể chế, chất lượng nguồn nhân lực, hạ tầng. “Chừng nào chúng ta chưa gia cố được 3 “chân kiềng” này thì việc tận dụng cơ hội vẫn còn hạn chế” - ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh. Đồng tình với ý kiến này, nhiều chuyên gia kinh tế nêu ý kiến: Để thúc đẩy DN tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, bên cạnh sự nỗ lực của DN, rất cần sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ Chính phủ trong việc giảm chi phí như giúp tiếp cận tín dụng (vay ưu đãi, bảo lãnh không thế chấp); Ổn định chi phí và nguồn nhân công; giảm thủ tục hành chính và những chi phí không chính thức.
Các quyết định đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài không dựa trên lý thuyết mà căn cứ vào những thông tin và bằng chứng thực tế. Đơn cử, các nhà sản xuất ô tô châu Âu thường thắc mắc mức tiêu thụ ô tô của thị trường Việt Nam còn rất thấp, do họ chưa hiểu được những quy định luật pháp của Việt Nam, chưa hình dung được hoạt động kinh doanh ô tô tại Việt Nam. Để thu hút vốn FDI cần Việt Nam gỡ bỏ các rào cản thương mại, đồng thời cũng cần tính toán việc giữ chân các DN FDI. Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Giorgio Aliberti |