Thảm họa lũ lụt ở Bangkok: Lời cảnh báo từ xứ sở Chùa vàng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Từ trận lụt lịch sử ở Thái Lan, nhiều người đã liên tưởng đến Hà Nội, khi trận lụt khủng khiếp năm 2008 vẫn còn ám ảnh trong tâm trí người dân...

Theo tính toán ban đầu, trận lụt kinh hoàng tại thủ đô Bangkok, Thái Lan đã khiến đất nước Chùa vàng này thiệt hại khoảng 6 tỷ USD, hơn 500 người chết, cuộc sống hàng triệu người bị đảo lộn, môi trường bị tàn phá nghiêm trọng trên diện rộng. Từ trận lụt lịch sử ở Thái Lan, nhiều người đã liên tưởng đến Hà Nội, khi trận lụt khủng khiếp năm 2008 vẫn còn ám ảnh trong tâm trí  người dân...
 
Thành phố… nước

Theo thông tin mới nhất từ chính phủ Thái Lan, thảm hoạ lũ lụt cho tới nay đã cướp đi sinh mạng của 506 người trên khắp cả nước. Ít nhất 20% diện tích thủ đô Bangkok đã bị ngập trong nước lũ, gây ra những lo ngại về sự bùng phát dịch bệnh tại thành phố mật độ dân cư đông đúc với dân số 12 triệu người.

Theo giới phân tích, lũ dữ một phần do biến đổi khí hậu nhưng phần lớn là do con người. Số liệu của Cục Khí tượng Thái Lan cho thấy, từ tháng 3 đến hết tháng 9/2011, lượng mưa đổ xuống nước này cao hơn mức bình quân nhiều năm từ 40 - 70%. Trước tháng 9, các hồ chứa nước ở phía Bắc Thái Lan tích nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhưng khi lượng mưa không giảm vào tháng 10 và tháng 11 như thông lệ các hồ này buộc phải xả lũ, đẩy hàng chục tỉ mét khối nước ra khu vực thấp trũng ở miền Trung Thái Lan và khối nước khổng lồ đó chầm chậm tiến về Bangkok trước khi đổ ra vịnh Thái Lan.
 
Trong khi đó, khả năng lưu giữ và hấp thụ nước mưa của vùng này đã bị thu hẹp đáng kể do công cuộc đô thị hóa phát triển mạnh trong vài chục năm qua. Trước khi kinh tế bắt đầu cất cánh vào giữa thế kỷ trước, Thái Lan chỉ có 10% dân số sống ở thành thị, thủ đô Bangkok có chưa tới 1 triệu người; nay riêng Bangkok đã có 12 triệu dân và hơn 30% dân số Thái Lan sống ở các đô thị. Khi dân số đô thị tăng lên, người ta phải xây dựng thêm nhiều nhà cửa, nhà máy, trường học, đường sá... và dần dần các ao hồ, kênh rạch... biến mất. Những vùng trũng thấp từng là nơi chứa nước mưa, nước lũ nay đã biến thành những khu công nghiệp, khu đô thị... làm cho dòng chảy tự nhiên của nước bị thay đổi, và ngăn nước lụt thoát nhanh.

Theo con số tạm tính, trận lụt lịch sử này gây thiệt hại cho nền kinh tế Thái Lan khoảng 6 tỷ đô la Mỹ làm 114.000 người mất nhà cửa phải sống trong 1.700 trung tâm tạm cư trên cả nước.
 
 
Thảm họa lũ lụt ở Bangkok: Lời cảnh báo từ xứ sở Chùa vàng - Ảnh 1
 
Hồ Hai Bà Trưng tràn ngập rác thải.

Nói gì thì thảm họa cũng đã xảy ra và từ thảm họa đó, chúng ta rút ra được bài học gì, đặc biệt với thủ đô Hà Nội, nơi năm 2008 cũng đã diễn ra trận lụt kinh hoàng.

Bài học nhãn tiền

Theo các nhà phân tích, đặc điểm về địa lý, phát triển kinh tế, xã hội của Bangkok có nhiều nét tương đồng với Hà Nội. Từ trận lũ lịch sử trên, nhiều người đã giật mình nghĩ tới thủ đô nghìn tuổi của ta, khi quá trình đô thị hóa với tốc độ chóng mặt đang "bóp chết" nhiều tác nhân chống lũ, lụt. Trong số đó, quan trọng nhất là hệ thống ao hồ, kênh rạch, "túi chứa nước" và thoát nước khi mưa lớn kéo dài. Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng - CECR (Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam) tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh như vũ bão trong những thập kỷ vừa qua, đã tạo những áp lực to lớn lên hồ Hà Nội theo ba kênh chính là rác thải, nước thải sinh hoạt và nạn lấn chiếm lấp hồ bất hợp pháp. Nước của nhiều hồ ao bị ô nhiễm trầm trọng, nhiều điểm bờ và hành lang bờ bị biến thành các nơi đổ rác hoặc phế liệu, bị lấn chiếm, nhiều ao hồ biến mất. Theo khảo sát của trung tâm này thì hiện tại, Hà Nội có trên 150 hồ lớn nhỏ. Kết quả khảo sát hành lang bờ 120 hồ, ao cho thấy: số hồ, ao chưa được kè  chiếm 26%;  số kè một phần chiếm 8%, còn  lại  là đã được kè toàn bộ. Những ao, hồ chưa được kè đang đứng trước nguy cơ bị lấn chiếm để xây nhà, bãi đỗ xe, trở thành bãi tập kết phế liệu, rác thải sinh hoạt. Phần lớn các hồ, ao này nằm sâu trong các khu dân cư, hoặc ở các vị trí khuất. Đối với các hồ, ao có khuôn viên đẹp, nhiều nơi bị lấn chiếm để làm hàng, quán, khu ăn uống, các bãi đỗ xe.  

Cùng với vấn nạn lấn chiếm, ao, hồ ở Hà Nội đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Hiện mới chỉ có 2 hồ có trạm xử lý nước thải, 9 hồ có hệ thống tách nước thải không cho chảy vào hồ. Kết quả phân tích nước mặt của 18 hồ trong khu vực nội thành cho thấy, các hồ này đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, hàm lượng coliform của một số hồ gần khu vực dân cư vượt tiêu chuẩn cho phép tới 100 - 200 lần, vào mùa khô vượt tới 700 lần. Theo báo cáo của CECR lấy mẫu thử của ao hồ trong 6 quận trung tâm thành phố chỉ có 5% hồ đạt chỉ tiêu nước sạch không ô nhiễm.

Theo đánh giá của nhiều nhà khoa học, nếu không có sự quan tâm và triển khai công tác bảo vệ môi trường tại các hồ, ao, hệ thống sông một cách quyết liệt hơn, chỉ vài năm nữa thôi hậu quả sẽ vô cùng nguy hại mà trận lụt kinh hoàng ở Bangkok là bài học nhãn tiền.