Trước đó, ngày 1/1, ít nhất 5 người đã thiệt mạng và 18 người khác bị thương trong vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra tại công trình xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 12 ở thành phố Thượng Hải. Những vụ việc liên tiếp trên một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về các công trình "đậu phụ" của Trung Quốc, khi nước này rơi vào vòng xoáy đô thị hóa.
Từ năm 1999, một cây cầu ở Trùng Khánh đã bị sập chỉ 3 năm sau khi hoàn thành khiến 40 người thiệt mạng. Năm 2004, công trình sửa chữa cầu Tế Chúng ở Giang Tô tiêu tốn hơn 1 triệu USD đã sập ngay trước khi khánh thành chỉ một ngày. Thậm chí, trong vòng 5 năm qua, tại Trung Quốc đã xảy ra 15 vụ sập cầu, trong đó chỉ có 3 cây cầu có tuổi thọ trên 15 năm. Nguyên nhân chủ yếu gây ra sự sụp đổ của các công trình hạ tầng trên được các chuyên gia chỉ ra là do nạn ăn gian vật liệu, ép tiến độ thi công quá mức...
Trong khi chất lượng tại các công trình công cộng đang lên tiếng kêu cứu, tuổi thọ của các chung cư cao tầng tại Trung Quốc chỉ khoảng 25 - 30 năm, thậm chí có công trình 10 - 15 năm đã xuống cấp, thấp hơn nhiều so với con số 74 năm của Mỹ và 132 năm của Anh. Trung Quốc hiện tiêu thụ 40% lượng xi măng, thép của toàn cầu và ước tính trong hai thập niên tới, phần lớn người dân sẽ sống tại các chung cư cao tầng. Nhưng nạn bớt xén vật liệu xây dựng hay dùng vật liệu kém chất lượng đã khiến người dân nước này thực sự lo sợ. Với tốc độ bùng nổ xây dựng ở Trung Quốc hiện nay, vấn đề về chất lượng và sự an toàn vẫn là câu hỏi chưa có lời giải trong một sớm một chiều.