Tham nhũng và bảo kê ngăn cản điều tra buôn bán động vật hoang dã

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 1/6, tại Hà Nội đã diễn ra buổi họp báo Ngày môi trường thế giới 2016 với chủ đề: Không khoan nhượng với tội phạm liên quan đến động thực vật hoang dã.

Theo bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, điểm mấu chốt của buôn bán loài động vật hoang dã trái phép là nhu cầu tiêu dùng không bền vững về loài hoang dã và các sản phẩm có nguồn gốc từ chúng cho các mục đích của con người. Trong khi đó, Việt Nam là nước trung chuyển và cũng là nước tiêu thụ của rất nhiều loại sản phẩm từ loài hoang dã phi pháp.  

Bà Pratibha Mehta khẳng định: “Tội phạm vi phạm luật về bảo vệ loài hoang dã thường liên quan tới các hình thức tội phạm nghiêm trọng, như tham nhũng, rửa tiền, gian lận và làm hàng giả. Từ năm 2010-2015, hải quan Việt Nam đã thu giữ khoảng 18.000 kg ngà voi, 55.200 kg tê tê và hơn 235 kg sừng tê giác từ các lô hàng trái phép ở Việt Nam.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ông Christopher Batt, Quản lý Văn phòng UNODC tại Việt Nam, mặc dù có nhiều luật quốc gia và quốc tế để xử lý tội phạm động vật hoang dã, các nhóm tội phạm xuyên quốc gia đang lách luật bằng nhiều thủ đoạn tinh vi để đưa các loại động thực vật hoang dã vào thị trường một cách hợp pháp. 

Cũng theo ông Christopher Batt, tham nhũng và bảo kê buôn bán động thực vật hoang dã trái phép đều nằm trong chuỗi cung ứng; nó ngăn cản công an điều tra, truy tố và làm suy yếu các quy định của luật pháp. 

Theo Trung tướng Trần Văn Vệ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an cho biết Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016 quy định hai tội danh liên quan đến động thực vật hoang dã với mức hình phạt nghiêm khắc hơn. Cụ thể, tăng mức phạt tiền tối đa 10-15 tỷ đồng. Mức xử lý hình sự 10-15 năm tù điều này sẽ góp phần ngăn chặn tội phạm buôn bán động vật hoang dã.

Trung tướng Vệ khẳng định chia sẻ thêm, thủ đoạn của các đối tượng tội phạm này rất tinh vi nên nhiều vụ việc chỉ bắt được người vận chuyển thuê còn chủ thực sự của lô hàng lại ở nước ngoài, Việt Nam là nước trung chuyển, việc thẩm định mất nhiều thời gian, ngoài nỗ lực của Việt Nam, rất cần các tổ chức quốc tế đàm phán, ký kết tương trợ tư pháp để xử lý hiệu quả tình trạng buôn bán động vật trái phép khi phát hiện loại tội phạm này.