Hội nghị thành phố thông minh Việt Nam-châu Á 2024
Tham vọng nhà máy chế tạo chip bán dẫn tỷ USD của Việt Nam
"Nếu một quốc gia không có nhà máy chế tạo chip thì chưa thể gọi là quốc gia bán dẫn và Việt Nam đã đặt mục tiêu có ít nhất 1 nhà máy trong giai đoạn 1 của Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn," ông Nguyễn Khắc Lịch - Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT-TT, Bộ Thông tin & Truyền thông chia sẻ tại Hội nghị thành phố thông minh Việt Nam - châu Á 2024 sáng 3/12.
Mục tiêu tham vọng để làm chủ công nghệ bán dẫn
Theo Cục trưởng Nguyễn Khắc Lịch, Việt Nam ước tính sẽ cần đầu tư ít nhất 1 tỷ USD cho một nhà máy quy mô nhỏ, chất lượng cao, giải quyết được nhu cầu nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip bán dẫn, giúp Việt Nam đóng góp vào chuỗi cung ứng toàn cầu, từ nay cho tới năm 2030.

"Để thực hiện nhiệm vụ này, cần có cơ chế ưu đãi đặc biệt, hỗ trợ đầu tư tài chính, với ước tính nguồn lực từ 80-200 nhà cung cấp trên thế giới để xây nhà máy và Chính phủ đã có kế hoạch cho việc này," ông Lịch cho biết.
Dự định này cũng nhằm hiện thực hóa mục tiêu “phải làm chủ thiết kế, biến Việt Nam thành trung tâm phát triển nghiên cứu toàn cầu”. Do đó, Chính phủ cũng khuyến khích việc thành lập các trung tâm R&D, không chỉ các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước mà khối tư nhân đều được tạo điều kiện tham gia.
Đây là một trong 8 nhiệm vụ đột phá thuộc Chiến lược đề ra con đường phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Ông Lịch cũng đề cập tới công thức C= SET +1 của Việt Nam - xương sống cho con đường phát triển trong lĩnh vực này.
Theo đó, Việt Nam sẽ tập trung theo hướng sản xuất chip (C) chuyên dụng – Specialized (S), phát triển ngành công nghiệp điện tử song hành với ngành phát triển chip – (E) Electronics, theo đó thông minh hóa các sản phẩm và để làm được điều đó trọng tâm là phát triển đội ngũ nguồn nhân lực và nhân tài - Talent (T). Đồng thời cũng đón đầu xu hướng dịch chuyển X+1, tạo điều kiện để Việt Nam nổi lên là điểm đến mới an toàn của chuỗi cung ứng toàn cầu về công nghiệp bán dẫn.
Bà Linda Tan, Chủ tịch SEMI Đông Nam Á, nhận định, "Việt Nam đang là ngôi sao mới nổi" trong ngành công nghiệp bán dẫn trên toàn cầu khi trong năm 2024, doanh thu của lĩnh vực này ước đạt 18,23 tỷ USD, tăng trưởng 11,48% so với cùng kỳ. Bà cũng đánh giá cao những chiến lược cụ thể tham vọng trong ngắn hạn cũng như dài hạn với 3 giai đoạn cho đến năm 2050 mà Chính phủ Việt Nam đề ra.
Những lợi thế to lớn của Việt Nam là vị trí chiến lược, với tuyến đường thủy có thể tiếp cận tới cả khu vực châu Âu và Bắc Mỹ, dân số trẻ và nguồn lực có tiềm năng trong ngành công nghệ thông tin. Những "ông lớn" trong ngành như Samsung, Amkor, Intel, Marvell... đã hiện diện tại đây làm tăng sút hút cho thị trường, Chủ tịch SEMI Đông Nam Á cho biết.
Chiến lược của Hà Nội
Việc phát triển bán dẫn cũng cần được thúc đẩy tại các địa phương, địa bàn trọng điểm, theo ông Nguyễn Khắc Lịch.
Với vai trò đầu tàu kinh tế - xã hội của cả nước, Thủ đô Hà Nội đã và đang tập trung phát triển công nghiệp bán dẫn và cũng là địa phương ưu tiên phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, ông Nguyễn Trần Quang – Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP Hà Nội chia sẻ.
Cụ thể, hiện Hà Nội đang triển khai 4 nhóm nhiệm vụ bao gồm: Hoàn thiện và ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích thu hút đầu tư công nghệ cao; Phát triển hạ tầng số; Đẩy mạnh Nghiên cứu KHCN và Tạo lập thị trường.
Trong đó đặc biệt chú trọng phát triển các Khu công nghệ thông tin, khu công nghệ cao. Ngày 1/8/2023, Hà Nội chính thức quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc với quy mô diện tịch 1.586 ha - thu hút các dự án đầu tư trong 4 lĩnh vực, trong đó công nghệ bán dẫn là lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu.
Hà Nội cũng đang tăng cường triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, tiếp xúc với các doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế để tranh thủ hợp tác trong lĩnh vực này.
"Chúng tôi đang nỗ lực biến lợi thế, cơ hội thành hành động. Bán dẫn là bài toán dài hạn, nhưng cần hành động ngay, chọn những mắt xích quan trọng trong chuỗi công nghệ bán dẫn toàn cầu để làm chủ", ông Quang khẳng định.

Ngành Công nghiệp bán dẫn: nghề của tương lai
Kinhtedothi - Trước thực tế đến năm 2030, cả nước cần 50.000 nhân lực ngành Công nghiệp bán dẫn, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã liên kết với các trường đại học ở nước ngoài để chuyển giao chương trình đào tạo trình độ cao đẳng ngành này sau đó chuyển tiếp lên đại học.

Để Hà Nội trở thành cứ điểm mới trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu
Kinhtedothi - Hà Nội có nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển, thu hút đầu tư ngành công nghiệp bán dẫn. Tuy nhiên, để trở thành một cứ điểm, một mắt xích mới trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, đòi hỏi TP phải có chính sách đặc thù, linh hoạt trong bối cảnh mới.

Để ngành công nghiệp bán dẫn “cất cánh”
Kinhtedothi - Là quốc gia có nhiều cơ hội và yếu tố cần thiết để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, tuy nhiên, để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng công nghiệp bán dẫn toàn cầu, Việt Nam cần có cơ chế, chính sách đột phá, đồng bộ.