Chị Đinh Thị Quỳnh Nga (thứ hai từ phải sang) kiểm tra chất lượng than sạch. Ảnh: Trọng Tùng |
HTX Trái tim hồng có ngành nghề chế tạo hạt gỗ (sử dụng để chế tác chiếu gỗ hương, khoác ghế, đệm lót, gối đầu, vòng đeo tay…). Loại hình sản xuất này có khối lượng phế phẩm khá lớn. Trung bình mỗi tuần, xưởng mộc của HTX thải ra 3 tấn mùn cưa.Mùn cưa được HTX bán cho các thương lái thu mua để làm gỗ công nghiệp. Tuy nhiên, việc thu mua đôi khi bị ngưng trệ; mùn cưa không được vận chuyển kịp thời gây ô nhiễm. Mặt khác, để tạo thành sản phẩm hạt gỗ, HTX phải sử dụng than tổ ong để sấy. Quá trình này không chỉ tốn kém chi phí về nguyên liệu, mà còn ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của nhân công HTX do khói than thải ra. “Để tận dụng lượng mùn cưa thải ra, giảm chi phí sản xuất từ việc loại bỏ, không sử dụng than tổ ong, chúng tôi đã nảy sinh ý tưởng làm than sạch không khói từ mùn cưa và các loại phế phẩm trong nông lâm nghiệp…” - chị Đinh Thị Quỳnh Nga - Giám đốc HTX, đồng thời là chủ nhân của ý tưởng, chia sẻ. Nghĩ là làm, cuối năm 2019, chị Nga đã đầu tư máy móc, trang thiết bị. Bên cạnh tìm hiểu kiến thức trên mạng, chị còn đi khắp nơi để học hỏi kinh nghiệm sản xuất nguyên liệu dùng cho đốt cháy. Cùng với hoàn thiện quy trình sản xuất, HTX đã đi thu gom phế phẩm nông lâm nghiệp để sản xuất than. Hiện, khu xưởng rộng 400m2 với gần 10 nhân công đang chế tạo ra khoảng 2 tấn than sạch không khói mỗi ngày.Từng bước tiến ra thị trườngThan sạch của HTX Trái tim hồng được đánh giá là loại than “bốn không”: Không khói, không mùi, không độc hại, không chất kết dính. Đặc biệt, loại than này cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với than tổ ong. “Than tổ ong có giá 2.500 đồng/viên, cháy được 30 phút. Trong khi than sạch không khói của HTX Trái tim hồng thì cháy được 2,5 – 3 tiếng. Ngoài ra, than cũng có nhiệt lượng cháy cao hơn…” – chị Nguyễn Thị Nga, một hộ dân tại xã Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn), hiện đang sử dụng than sạch không khói, cho biết. Ý nghĩa lớn nhất từ than sạch “bốn không” của HTX Trái tim hồng là ở khía cạnh bảo vệ môi trường. Loại than giúp tận thu các phế phẩm trong nông lâm nghiệp. Đây được xem là hành động thiết thực hưởng ứng Chỉ thị 15/CT-UBND của UBND TP về thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn Hà Nội.Giám đốc HTX Trái tim hồng Đinh Thị Quỳnh Nga cho biết, hiện nay, sản phẩm than sạch “bốn không” đang được tiêu thụ chủ yếu tại Hà Nội và các tỉnh lân cận (Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc…). Trong những năm tới, mục tiêu của HTX là mỗi năm thu gom, xử lý được trên 10 tấn phế phẩm nông lâm nghiệp. Sản lượng than đạt 1.500 tấn, và doanh thu trên 15 tỷ đồng/năm. Để thực hiện được mục tiêu trên, HTX sẽ tiếp tục mở rộng quy hoạch vùng nguyên liệu, quy mô nhà xưởng, đầu tư máy móc trang thiết bị, mở rộng thị trường, hướng tới xuất khẩu. “Vừa qua, tổ chức phi Chính phủ Thriive (Hoa Kỳ) đã hỗ trợ cho vay 100 triệu đồng không tính lãi trong năm đầu tiên để HTX mua máy phối trộn nguyên liệu. Tuy nhiên, do HTX là cơ sở sản xuất, kinh doanh của người khuyết tật, điều kiện về nguồn vốn còn nhiều khó khăn nên chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư để nhân rộng mô hình” – chị Nga cho biết.
Ít người biết, chị Đinh Thị Quỳnh Nga, chủ nhân của ý tưởng than sạch “bốn không”, đồng thời là Giám đốc HTX Trái tim hồng, là một người khuyết tật bẩm sinh. Chị Nga bị liệt một chân từ nhỏ, nhưng vẫn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Chị đã thành lập nên HTX Trái tim hồng, biến nơi đây trở thành “ngôi nhà nhỏ” của những người khuyết tật đến từ khắp các tỉnh, TP trên cả nước. Nhiều mảnh đời cơ nhỡ đã được HTX nâng đỡ, đi qua những ngày gian khó để sống có ích cho cộng đồng. |