Thần tốc giải phóng mặt bằng làm bệ phóng cho dự án Vành đai 4

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 1/6, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm triển khai dự án đường bộ cao tốc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đã chia sẻ những kinh nghiệm quý giá về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn chia sẻ kinh nghiệm tại Hội nghị
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn chia sẻ kinh nghiệm tại Hội nghị

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ cho biết, mục tiêu được Đảng và Chính phủ đề ra là năm 2030 cả nước phấn đấu sẽ có 5.000km đường cao tốc, năm 2025 hoàn thành đường cao tốc phía Đông và trên 3.000km đường cao tốc.

Tuy nhiên, từ năm 2000 - 2020 cả nước mới hoàn thành gần 1.200km đường cao tốc, khối lượng công việc còn lại rất lớn. Thời gian qua cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, sự vào cuộc của các ban, ngành, địa phương, rất nhiều giải pháp quan trọng, hiệu quả đã được đưa ra để tổ chức triển khai các dự án đường bộ cao tốc. Một trong số đó là phân cấp, phân quyền trong quản lý đầu tư, xây dựng.

“Việc thực hiện các dự án đường bộ cao tốc ở mỗi địa phương có những đặc thù khác nhau, bởi vậy, cần thiết có những buổi làm việc trao đổi kinh nghiệm, bài học rút ra từ thực tiễn quản lý, đầu tư và chuẩn bị đầu tư. Đây là diễn đàn để gặp gỡ và trao đổi, đặc biệt là kinh nghiệm tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn từ vấn đề thủ tục, GPMB, nguồn vật liệu, tổ chức thi công, quản lý dự án” - Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.

Chia sẻ tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, Hà Nội kết nối với các tỉnh, TP Vùng Thủ đô, từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây và ngược lại thông qua 7 tuyến cao tốc trọng yếu gồm: Nội Bài - Lào Cai; Đại lộ Thăng Long; Pháp Vân - Cầu Giẽ; Hà Nội - Hải Phòng; Hà Nội - Lạng Sơn; Hà Nội - Thái Nguyên; Hà Nội - Hạ Long. Các tuyến cao tốc này lại được kết nối với nhau trên cơ sở một số tuyến vành đai chính như: Vành đai 3, 4, 5…

Thời gian qua Bộ GTVT đã triển khai đầu tư một số tuyến cao tốc quan trọng đi qua Hà Nội. TP Hà Nội mới đang tiếp tục đầu tư hoàn thiện theo quy hoạch đoạn tuyến cao tốc từ Hoà Lạc - Hoà Bình và tập trung triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho hay, quá trình chuẩn bị đầu tư dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Hà Nội đã đạt một số kết quả rất tích cực, đặc biệt là trong công tác GPMB.

Chủ động, quyết liệt

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, TP Hà Nội đã rất chủ động, quyết liệt, áp dụng 4 nhóm giải pháp chính cho công tác GPMB.

Thứ nhất là tách công tác GPMB thành dự án thành phần độc lập. “Các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông nói chung và các dự án đường cao tốc nói riêng là các dự án có quy mô lớn, đi qua nhiều địa bàn, khối lượng GPMB lớn. Để có thể GPMB sớm, đối với dự án đường Vành đai 4, TP Hà Nội đã đề xuất và được cấp có thẩm quyền chấp thuận tách công tác GPMB thành dự án thành phần độc lập” – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn nói.

Ưu điểm của giải pháp này là giúp cho việc GPMB không còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố kỹ thuật mang tính chất chuyên ngành của các công trình kết cấu hạ tầng giao thông đường cao tốc. Có thể triển khai sớm công tác GPMB ngay sau khi có chỉ giới đường đỏ được phê duyệt, đảm bảo việc giải phóng mặt bằng đi trước một bước.

Thứ hai là triển khai đồng thời với công tác GPMB một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư như: Tổ chức lập, phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB để các địa phương tổ chức thực hiện. Hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB sẽ được cập nhật đảm bảo phù hợp với dự án đầu tư được duyệt.

Rà soát, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; trên cơ sở hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB, rà soát nhu cầu tái định cư, tổ chức lập dự án đầu tư xây dựng các khu tái định cư, thực hiện GPMB khu tái định cư (nếu có).

Thứ ba, TP Hà Nội đã căn cứ theo Điều 111 của Luật Đất đai (năm 2013) để ứng vốn cho việc bồi thường, GPMB; tạo quỹ đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đã được phê duyệt để thực hiện GPMB, làm cơ sở bố trí kế hoạch đầu tư công hằng năm.

Thứ tư là để tăng tính chủ động của địa phương, TP Hà Nội đã giao nhiệm vụ GPMB trực tiếp cho các quận huyện có tuyến Vành đai 4 đi qua triển khai, vốn bố trí được phân bổ cụ thể cho từng địa phương.

Nhờ những giải pháp quyết liệt, chủ động như vậy, hiện tại khối lượng GPMB dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn TP Hà Nội đã đạt 70%, dự kiến đạt 80% trước khi khởi công (vượt chỉ tiêu 10%). GPMB đã thực sự trở thành bệ phóng cho dự án tăng tốc ngay từ những bước đầu tiên.