Thận trọng điều hành tỷ giá và tiền tệ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước đây, mỗi lần tăng trưởng GDP nhích lên đều đi kèm với nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô, lạm phát tăng cao. Quý I/2008, GDP tăng 7,43% nhưng lạm phát lên tới 9,19%, khởi đầu cho một giai đoạn mà các chỉ tiêu tăng trưởng - lạm phát thay nhau trồi sụt.

Tuy nhiên, quý I/2015 ghi nhận sự chuyển biến mạnh khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ghi nhận mức tăng âm 0,1% nhưng GDP tăng 6,03%. Tuy nhiên, từ góc độ thị trường, các chuyên gia nhìn nhận, mặc dù kinh tế vĩ mô ổn định hơn nhưng vẫn cần thận trọng, đặc biệt là trong việc điều hành tỷ giá và tiền tệ

Ghi nhận tín hiệu tích cực

Mặc dù CPI tháng 3 tăng 0,15% so với tháng trước, khiến chỉ số này sau 2 tháng đầu năm giảm đã tăng trở lại nhưng tính chung CPI quý I vẫn giảm 0,1% so với tháng 12/2014. Các số liệu thống kê cho thấy, CPI quý I có tốc độ tăng tương đối thấp trong khoảng 10 năm gần đây. Dự báo về CPI tháng 4 ghi nhận đánh giá chung là sẽ có mức tăng nhẹ do giá điện được điều chỉnh tăng 7,5% từ ngày 16/3 (chu kỳ tính CPI tháng 3 đã kết thúc vào ngày 15/3). Ngoài các tác động trực tiếp có thể lượng hóa, e ngại đặt ra hiện nay còn là tâm lý tiêu dùng bị cộng hưởng từ việc điều chỉnh một số mặt hàng thiết yếu khác. Trong khi giá điện trước mắt có thể đưa ra được những tính toán tương đối sát, thì giá xăng dầu lại là ẩn số.
Giao dịch tại Chi nhánh Baovietbank Hà Nội. 	ảnh: Trần Việt
Giao dịch tại Chi nhánh Baovietbank Hà Nội. ảnh: Trần Việt
Ở góc độ khái quát hơn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, CPI quý I đang ở mức thấp góp phần đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ đặt ra. “Yếu tố chi phí đẩy tiếp tục giữ lạm phát ở mức thấp, nhưng những rủi ro tiềm ẩn về giá xăng dầu khi tăng trở lại là áp lực cho công tác kiểm soát lạm phát” - ông Lâm phân tích. Điều này đòi hỏi phải theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu; đồng thời, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường cần được các bộ, ngành, địa phương tăng cường hơn nữa nhằm bảo đảm mục tiêu về kiểm soát lạm phát trong năm 2015 đã đề ra.

Mặc dù CPI âm 0,1% nhưng sản xuất vẫn tăng trưởng, nên đã không dẫn đến giảm phát kinh tế. Các cán cân kinh tế vẫn được bảo đảm đã góp phần giúp GDP quý I tăng 6,03%. Và dự báo quý II, mức tăng này tiếp tục được duy trì khi mà một số lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp sẽ tiếp tục đà tăng trưởng với việc nhiều nhà máy như Phân đạm Hà Bắc, các nhà máy điện Mông Dương 2, Vũng Áng… đi vào hoạt động. Khi năng lực sản xuất tăng thêm đồng nghĩa với việc chỉ số sản xuất công nghiệp sẽ tăng cao hơn. Bên cạnh đó, kịch bản giá dầu chỉ 40 USD/thùng đã không xảy ra, sang quý II, mức giá này theo nhận định sẽ vào khoảng 60 USD/thùng. Dưới tác động của giá dầu, theo nhận định, sản xuất công nghiệp chắc chắn sẽ tiếp tục hồi phục, nhất là khi nhiều dự án lớn của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đi vào hoạt động. Trong khi đó, mặc dù nhập siêu trong quý I tăng cao nhưng xét cụ thể về cơ cấu cho thấy, phần lớn là nhập nguyên liệu phục vụ sản xuất. Hơn nữa mặc dù nhập siêu, nhưng phần thu ngoại tệ khác như giải ngân đầu tư, kiều hối… lại tạo ra thặng dư cán cân thanh toán tổng thể cả nước. Hiện, cán cân thanh toán thặng dư 2,8 tỷ USD.

Cẩn trọng với tỷ giá

Mặc dù ghi nhận những tín hiệu khả quan trong quý I của nền kinh tế nhưng thách thức trong điều hành kinh tế vẫn còn ở phía trước, trong đó, vấn đề được quan tâm là việc điều hành tỷ giá. Dự trữ ngoại hối tăng mạnh, nhưng chính sách tiền tệ của các nước hiện đang quá trái chiều. Tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ hôm 30/3 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình nhận định, NHNN tiếp tục theo đuổi mục tiêu giới hạn điều chỉnh tỷ giá 2% trong năm nay. Quan điểm mà NHNN đưa ra đó là, nếu phá giá ngay trong bối cảnh hiện tại chưa chắc đã có tác động tích cực, mà còn gây nhiều hệ lụy. Tăng trưởng tín dụng đến nay là 1,91%, không tính trái phiếu, đây là mức tăng trưởng khá ổn định.

Nêu ý kiến NHNN cần tiếp tục bám sát diễn biến tình hình thế giới để có thể đưa ra quyết định kịp thời vào những thời điểm quyết định, TS Nguyễn Minh Phong – chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, chúng ta nên xem độ mở bao nhiêu thì vừa? Bởi, nếu không nới room sẽ khó thu hút được tiền nước ngoài vào Việt Nam. Chính vì thế, bên cạnh những dấu hiệu tích cực, kinh tế thời gian tới vẫn đòi hỏi sự thận trọng trong điều hành, đặc biệt khi Việt Nam đang hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới.